Chính thức từ 7/2025, 6 nhóm đối tượng đủ điều kiện rút BHXH một lần
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định trong Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024.
Ngày 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội  (sửa đổi) với nhiều điều chỉnh và bổ sung có lợi cho người lao động, trong đó đáng chú ý là quy định về việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Theo quy định mới, khoảng 18 triệu người đã tham gia BHXH trước ngày luật có hiệu lực (1/7/2025) sẽ vẫn được phép rút BHXH một lần nếu đáp ứng các điều kiện: sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và có yêu cầu. Sau ngày 1/7/2025, người tham gia BHXH vẫn có quyền rút BHXH một lần nhưng chỉ trong các trường hợp sau:
- Người đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH;
- Người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người định cư ở nước ngoài;
- Người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, bại liệt, xơ gan, lao nặng, hoặc AIDS;
- Các đối tượng trong lực lượng vũ trang khi phục viên, xuất ngũ hoặc thôi việc nhưng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và cũng không tham gia BHXH tự nguyện, không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
So với quy định trước đây, luật mới đã bổ sung đối tượng được rút BHXH một lần là người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người khuyết tật đặc biệt nặng.
Đối với những người đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm để hưởng lương hưu và cũng không đủ điều kiện để nhận trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không muốn nhận BHXH một lần và không bảo lưu quyền lợi, họ có thể yêu cầu nhận trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp thấp nhất sẽ bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội, và thời gian cùng mức hưởng sẽ dựa trên thời gian tham gia BHXH của người lao động.
Ngoài ra, trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng, người lao động còn được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả. Khi qua đời, thân nhân của họ sẽ được nhận trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận, và nếu đủ điều kiện, sẽ được hưởng trợ cấp mai táng. Đối với những người đủ điều kiện rút BHXH một lần nhưng chọn bảo lưu để hưởng lương hưu, họ sẽ nhận trợ cấp hàng tháng trước 75 tuổi và trong thời gian này, Nhà nước sẽ đóng bảo hiểm y tế cho họ.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ năm 2016 đến 2023, cả nước có khoảng 6 triệu lượt người rút BHXH một lần, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 10,5%. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, có hơn 686.000 người đã thực hiện rút BHXH một lần, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo quy định về bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động (NLĐ) có thể tự tính được số tiền BHXH một lần mà mình sẽ nhận. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, cách tính BHXH một lần được quy định dựa trên số năm đã đóng BHXH. Theo đó, mỗi năm đóng trước năm 2014 sẽ được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, còn với những năm đóng từ 2014 trở đi, mỗi năm được tính bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Ngoài ra, khoản 4, Điều 19 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành cũng đưa ra công thức tính cụ thể như sau:
Mức hưởng BHXH một lần = {(1,5 x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x thời gian tham gia BHXH từ năm 2014 trở đi)} x Mbqlt
Trong đó, Mbqlt (mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH) được tính theo công thức:
Mbqlt = (tổng số tháng đóng BHXH x tiền lương tháng đóng BHXH x mức điều chỉnh hàng năm) / tổng số tháng đóng BHXH.
Hiện tại, cách tính và mức hưởng BHXH một lần vẫn giữ nguyên theo quy định nêu trên. Tuy nhiên, luật sửa đổi bổ sung một điểm đáng lưu ý: đối với trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHXH trước và sau năm 2014, nếu có tháng lẻ trước năm 2014 thì số tháng lẻ này sẽ được chuyển sang giai đoạn đóng từ năm 2014 trở đi.
Trong trường hợp NLĐ đủ điều kiện để hưởng lương hưu và cũng đủ điều kiện để rút BHXH một lần, NLĐ có quyền lựa chọn giữa hai hình thức này. Tuy nhiên, nếu chọn rút BHXH một lần, NLĐ sẽ mất một số quyền lợi lâu dài, chẳng hạn như: không nhận được lương hưu hàng tháng khi về già và không được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) mà phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.
Quan trọng nhất, mức hưởng BHXH một lần được tính dựa trên số tiền đã đóng và lãi cộng dồn. Tuy nhiên, do thời gian đóng BHXH thường ngắn hơn thời gian hưởng lương hưu, nên mức hưởng BHXH một lần thường thấp hơn so với lương hưu.
>> Cách nào để người lao động về già hưởng lương hưu cao?