Chính thức từ tháng 7/2025, nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau nhiều hơn 14 ngày vẫn phải đóng BHXH
Theo đó, khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội.
Nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/7/2025
Theo khoản 6 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội  2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025), người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên, trong tháng đầu làm việc hoặc tháng đầu quay trở lại làm việc, vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội cho tháng đó.
Điều này có sự thay đổi so với quy định tại khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017. Theo quy định cũ, người lao động nghỉ ốm từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, họ vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế.
Từ ngày 01/7/2025, quy định mới sẽ có hiệu lực, yêu cầu người lao động trong các trường hợp nêu trên phải đóng bảo hiểm xã hội cho tháng nghỉ ốm từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng đầu tiên làm việc hoặc quay lại làm việc.
Thu nhập tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2024
Căn cứ vào khoản 2 Điều 17 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP, tiền lương tháng dùng để đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động chịu sự điều chỉnh của chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định trong năm 2024 bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, tất cả được quy định rõ trong hợp đồng lao động theo pháp luật lao động hiện hành.
Theo khoản 2 Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi và bổ sung bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH), mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, bao gồm các nội dung sau:
(i) Mức lương theo công việc hoặc chức danh:
Mức lương được tính dựa trên thời gian làm việc cho các công việc hoặc chức danh theo thang lương và bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng, phù hợp với quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động  2019.
Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán, cần ghi rõ mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc mức lương khoán.
(ii) Phụ cấp lương:
Đây là các khoản phụ cấp được thỏa thuận giữa hai bên, nhằm bù đắp cho các yếu tố như: điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, và mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa bao gồm hoặc chưa tính đủ.
(iii) Các khoản bổ sung khác:
Bao gồm các khoản bổ sung mà mức tiền cụ thể có thể được xác định cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, và các khoản này được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
>> Công ty chậm đóng BHYT, chi phí khám chữa bệnh của người lao động có được hoàn trả? 
Chi tiết mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động từ 1/7/2024 
BHXH Việt Nam chủ động chia sẻ dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho Bộ Y tế