Vĩ mô

Chọn chủ tịch tỉnh khi sáp nhập cần gắn với quy hoạch khóa mới, trẻ hóa lãnh đạo

Thế Vinh - Nguyễn Thảo 07/04/2025 - 07:05

Chọn nhân sự làm chủ tịch tỉnh khi sáp nhập đơn vị hành chính cần ưu tiên trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo gắn với quy hoạch không chỉ giới hạn trong một nhiệm kỳ 5 năm mà hướng tới nhiều nhiệm kỳ.

Chủ trương tinh gọn bộ máy đang được Đảng và Nhà nước quyết liệt triển khai. Theo định hướng mới, số lượng tỉnh thành sẽ giảm từ 64 xuống còn 34, tức giảm gần một nửa so với hiện tại.

Điều này đồng nghĩa với việc quy mô dân số có tỉnh sẽ tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần, đặt ra yêu cầu cao hơn rất nhiều đối với đội ngũ lãnh đạo tỉnh mới.

Tránh ưu tiên người địa phương mình, lạnh nhạt với cán bộ tỉnh khác

Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa 13 (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng) đánh giá, đây không chỉ là một cuộc cải cách hành chính, mà còn là bước đột phá trong công tác chính trị, hướng tới một hệ thống quản lý hiệu quả và bền vững hơn.

1d161c86 c54a 45d5 80c1 2d94205e342b.jpg
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Ông Tiến cho rằng, Chỉ thị 35/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác chuẩn bị đại hội đã xác định rõ việc tuyển chọn cán bộ không còn dựa trên những tiêu chí chung chung mà đã được “lượng hóa” cụ thể về năng lực và phẩm chất. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là kim chỉ nam cho công tác cán bộ trong thời gian tới.

Các tiêu chí được quy định rõ ràng, từ trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tiễn đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, ông Tiến đề nghị: “Nếu không hoàn thành nhiệm vụ đã được lượng hóa thì cán bộ phải có cam kết rút lui cho người khác, không thể bầu một lần rồi bám víu mãi”.

Năng lực lúc này không chỉ còn là khái niệm chung chung, mà được đo bằng “khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao ở mức tối đa, không chỉ tối thiểu”. Trình độ học vấn, uy tín, sức khỏe và kết quả công tác thực tế cũng là những yếu tố then chốt.

W-A58I4093 (1).jpg
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo đã được Trung ương yêu cầu rà soát từ sớm, từ xa, đánh giá lại các quy hoạch trước đây để xem xét tính phù hợp. “Những người trong quy hoạch cũ có còn giữ được phẩm chất và năng lực cho đến bây giờ không?”, ông đặt câu hỏi.

Quy hoạch không chỉ giới hạn trong một nhiệm kỳ 5 năm mà phải có tầm nhìn dài hạn, hướng tới nhiều nhiệm kỳ. Vì vậy, việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo trở thành ưu tiên hàng đầu.

“Tại một số đại hội địa phương gần đây, tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 35 tuổi đã chiếm hơn 30%. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng”, ông Tiến chia sẻ.

Theo ông Tiến, ngoài những tiêu chuẩn cứng, cũng cần ưu tiên lựa chọn các cán bộ có tinh thần phục vụ nhân dân, luôn hướng về người dân và doanh nghiệp, bất kể anh là người của tỉnh này, tới địa phương kia làm việc.

“Lựa chọn cán bộ, lãnh đạo tỉnh theo nguyên tắc "chọn người để làm việc", không phải chọn cán bộ cho địa phương này hay địa phương khác. Khi sáp nhập 2-3 địa phương, việc lựa chọn phải dựa trên tiêu chí của Chỉ thị 35 thay vì ưu ái cục bộ, ưu tiên người cùng địa phương mà lạnh nhạt với cán bộ tỉnh khác”, ông Tiến lưu ý.

Để tránh tình trạng địa phương chủ nghĩa, cựu Phó Chủ nhiệm UBVH-GD Quốc hội cho rằng cần soi xét theo bộ tiêu chí như Chỉ thị 35 đã nêu rõ về phẩm chất, năng lực, độ tuổi, uy tín, sức khỏe, các nhiệm vụ từng kinh qua và kết quả công tác để làm cơ sở đề xuất, bổ nhiệm hay chỉ định vị trí lãnh đạo.

Lãnh đạo phải có tinh thần phục vụ nhân dân

Chia sẻ quan điểm về vấn đề chọn lãnh đạo tỉnh, thành, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, nhận định, trước tình hình mới, rõ ràng yêu cầu với bộ máy chính quyền sẽ cao hơn và người đứng đầu tỉnh có vai trò hết sức quan trọng.

HĐND bầu chủ tịch UBND theo giới thiệu của chủ tịch HĐND; bầu phó chủ tịch, ủy viên UBND theo giới thiệu của chủ tịch UBND. Chủ tịch UBND không nhất thiết là đại biểu HĐND. Kết quả bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh phải được Thủ tướng phê chuẩn. Điều 34 Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Người lãnh đạo tỉnh, thành cần phải có đầy đủ năng lực, có khả năng quy tụ được đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh cùng mình thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu lớn được đặt ra.

Sau khi sáp nhập, bộ máy sẽ có những thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn trong khi yêu cầu đặt ra là phải tăng tốc bứt phá. Vì thế, tiêu chí chọn chủ tịch tỉnh, thành phải cao hơn về năng lực, trình độ, cũng như về mặt đạo đức, ý thức, tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là sự nêu gương của người đứng đầu.

nguyentiendinh0.jpg
nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: Ngọc Thắng

Với tinh thần nhà nước pháp quyền, nhà nước phục vụ, nhà nước kiến tạo, tất cả cán bộ, lãnh đạo bộ máy chính quyền phải có tinh thần gần dân, sát dân hơn, hết lòng phục vụ nhân dân.

“Bây giờ chúng ta đã chuyển sang quản trị quốc gia và quản trị địa phương, khác hẳn với trước đây là Nhà nước quản lý. Mục tiêu đó đòi hỏi người lãnh đạo, đặc biệt là các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, phải có trình độ, năng lực cũng như phẩm chất đạo đức rất cao”.

Theo ông, ngay sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, chưa có hội đồng nhân dân thì chủ tịch tỉnh, thành phố có thể được chỉ định bởi cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan này có trách nhiệm cụ thể trong việc chỉ định, có thể điều động hoặc lấy nguồn tại chỗ. Tuy nhiên, nên xem xét từng trường hợp cụ thể để chỉ định các cấp lãnh đạo cho phù hợp.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, sau sắp xếp, dự kiến cả nước có 11 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh được giữ nguyên, 52 ĐVHC cấp tỉnh thuộc diện phải sáp nhập.

Dự thảo cũng quy định, số cán bộ, công chức, viên chức của ĐVHC cấp tỉnh và xã mới sau sắp xếp không vượt quá tổng số có mặt tại các ĐVHC cấp tỉnh, xã trước sắp xếp.

Tuy nhiên, con số này sẽ phải giảm dần trong thời hạn 5 năm sau khi sắp xếp, tính theo ngày hiệu lực của nghị quyết này.

Ngoài ra, những cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cũng được bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp trong 6 tháng kể từ thời điểm sắp xếp. Sau thời hạn này sẽ thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ theo vị trí việc làm mới phù hợp với quy định.

>> Hàng ngàn lãnh đạo tỉnh và huyện, hàng vạn cán bộ xã, ai đi ai ở khi sáp nhập?

Sau sáp nhập, một địa phương tại Việt Nam dự kiến sẽ sở hữu 2 sân bay cùng loạt cảng biển quy mô lớn

Tỉnh hơn 1,5 triệu dân giáp Hà Nội nằm trong diện sáp nhập, là vùng đất thiêng được Vua Hùng chọn làm nơi đóng đô từ thuở lập quốc

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chon-chu-tich-tinh-khi-sap-nhap-can-gan-voi-quy-hoach-khoa-moi-tre-hoa-lanh-dao-2388155.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Chọn chủ tịch tỉnh khi sáp nhập cần gắn với quy hoạch khóa mới, trẻ hóa lãnh đạo
    POWERED BY ONECMS & INTECH