Chốt thời gian thông xe tuyến đường vành đai hơn 75.000 tỷ đồng đi qua TP. HCM và 3 tỉnh thành
Tuyến đường được thiết kế với quy mô từ 6-8 làn xe, trong giai đoạn đầu sẽ xây dựng 4 làn cao tốc, cùng với đường song hành hai bên.
Theo Báo Lao Động, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM thông tin, dự án đường Vành đai 3  qua TP. HCM dài 47km đã được triển khai toàn bộ 10 gói thầu, hiện đạt khoảng 19% khối lượng công việc.
Đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 11,43km đã hoàn thành 14,5% tiến độ tổng thể, trong khi đoạn qua tỉnh Long An dài 6,8km đã hoàn thành tới 48%. Tuy nhiên, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 11,2km đang gặp khó khăn trong việc thi công, với sản lượng chỉ đạt 7,2%.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 TP. HCM. Nguồn ảnh: VnEconomy |
Hiện, TP. HCM cùng các tỉnh liên quan đã thống nhất các mốc thời gian dự kiến cho việc thông xe một số đoạn của Vành đai 3.
Theo kế hoạch, đến ngày 30/4/2025, một số hạng mục quan trọng bao gồm nút giao cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được hoàn thành, đảm bảo khai thác đồng bộ và kết nối cầu Nhơn Trạch với tuyến cao tốc này.
Tháng 12/2025, dự án dự kiến sẽ thông xe phần cao tốc qua Long An, từ cầu Kênh Thầy Thuốc đến nút giao Bến Lức.
>> Dự án 20.000 tỷ của Becamex IDC (BCM) tại tỉnh lớn nhất Nam Bộ có điều chỉnh mới 
Đến ngày 30/1/2026, dự án sẽ hoàn tất và thông xe kỹ thuật cầu cạn đoạn qua TP. Thủ Đức (TP. HCM).
Đến ngày 30/4/2026, toàn bộ tuyến Vành đai 3 qua TP. HCM dự kiến sẽ được đưa vào khai thác, và một số đoạn qua Đồng Nai và Bình Dương cũng sẽ hoàn thành.
Cuối cùng, vào tháng 12/2026, toàn tuyến cao tốc Vành đai 3 TP. HCM sẽ chính thức hoàn tất và thông xe.
Bối cảnh 3D dự án Vành đai 3 TP. HCM. Nguồn ảnh: VnExpress |
Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cũng lưu ý rằng, việc thiếu hụt nguồn cung cát đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy nhiên, sau chỉ đạo từ Thủ tướng và Phó Thủ tướng, tình hình cung cấp cát đã được cải thiện. Nhu cầu cát cho năm 2024 là 5 triệu m3, trong đó 1,8 triệu m3 đã được vận chuyển về công trường. Trong ba tháng cuối năm 2024, dự án cần thêm 3,2 triệu m3 cát với nguồn cung dự kiến từ các mỏ tại Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre.
TP. HCM đang chỉ đạo các nhà thầu và các địa phương tăng cường nhân lực, thiết bị và tổ chức thi công liên tục ba ca để đảm bảo tiến độ, cam kết hoàn thành và thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2026.
Được biết, dự án Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 76km với mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng. Tuyến đường được thiết kế với quy mô từ 6-8 làn xe, trong giai đoạn đầu sẽ xây dựng 4 làn cao tốc, cùng với đường song hành hai bên. Khởi công từ tháng 6/2023, đến nay, 20 gói thầu xây lắp chính của các dự án thành phần Vành đai 3 đang được triển khai đồng bộ.
Khi hoàn thành, Vành đai 3 sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc trọng điểm gồm: TP. HCM - Trung Lương, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP. HCM - Mộc Bài và TP. HCM - Chơn Thành, tạo nên mạng lưới giao thông liên kết toàn khu vực. Công trình không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển.
Vành đai 3 TP. HCM sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới, tạo hành lang công nghiệp kết nối các cụm cảng biển, thúc đẩy hoạt động logistics, tăng cường lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho toàn khu vực phía Nam.
>> Tỉnh đầu tiên của vùng ĐBSCL có 3 TP trực thuộc sắp có khu du lịch sinh thái gần 700ha