Chủ tịch vẫn tái đắc cử giữa bê bối gian lận, liệu Toyota có thể chấm dứt khủng hoảng?
Nhiều người cho rằng tầm ảnh hưởng của ông Toyoda là “quá lớn”.
Theo thông tin mới nhất, ông Akio Toyoda đã được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch Toyota Motor Corp  tại cuộc họp thường niên. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng phải đối mặt với những câu hỏi dồn dập từ các cổ đông về vấn đề quản trị cũng như cuộc điều tra đang diễn ra về các chứng nhận an toàn cho các phương tiện của hãng.
Ngoài ra, các cổ đông cũng bỏ phiếu chống lại kiến nghị kêu gọi Toyota minh bạch hơn về các hoạt động vận động hành lang chống lại các chính sách khí hậu tiến bộ. Họ cho rằng điều đó sẽ khiến Toyota mất đi lợi thế cạnh tranh trước làn sóng xe điện cũng như bị ảnh hưởng bởi những quy định nghiêm khắc hơn về khí thải.
Mặc dù việc ông Toyoda tái đắc cử là điều được nhiều người dự đoán từ trước nhưng tỷ lệ ủng hộ từ các cổ đông đối với ông được xem là một cuộc trưng cầu dân ý về cách quản trị và chiến lược của Toyota.
Bởi lẽ, nhiều người cho rằng tầm ảnh hưởng của ông Toyoda là “quá lớn”. Sự tập trung quyền lực tiềm tàng đã khiến nội bộ quan ngại. Vì vậy, thực tế, nhiều người có vẻ có xu hướng chống lại việc tái bổ nhiệm ông Toyoda vì lo ngại tính độc lập của hội đồng quản trị.
Vào tháng 5, Glass Lewis - công ty dịch vụ tư vấn ủy quyền đã khuyên các nhà đầu tư bỏ phiếu phản đối việc tái bổ nhiệm ông Toyoda, đồng thời chỉ ra các vấn đề về chứng nhận và sự thiếu độc lập trong Hội đồng quản trị.
Hệ thống Hưu trí Công chức California và Hệ thống Hưu trí Giáo viên bang California cũng bỏ phiếu phản đối việc để ông Toyoda cũng như Giám đốc điều hành Koji Sato tái đắc cử.
Tuy nhiên, ông Toyoda vừa phát biểu rằng: “Quản trị là giám sát, kiểm soát và quản lý. Chúng ta cần chuyển giao quyền lực từ ban lãnh đạo cao nhất xuống nhà máy để mọi người có thể tham gia vào quá trình ra quyết định”.
Được biết, số phiếu bầu chính xác của cổ đông trong cuộc họp lần này sẽ không được công bố cụ thể cho đến thứ 4.
Theo thông tin mới nhất, ông Akio Toyoda đã được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch Toyota Motor Corp |
Có nhiều “lỗ hổng”
Đầu năm nay, hai chi nhánh của Toyota đã bị Cơ quan quản lý khiển trách vì các vấn đề chứng nhận tương tự. Toyoda, cháu trai của người sáng lập nhà sản xuất xe điện, đã tuyên bố vào tháng 1 rằng ông sẽ tạo dựng lại niềm tin của khách hàng và kêu gọi toàn bộ Tập đoàn “quay trở lại những điều cơ bản nền tảng”.
Tuy nhiên, một loạt vấn đề chứng nhận mới, buộc Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản phải đình chỉ vận chuyển 6 mẫu xe  của năm nhà sản xuất ô tô nước này - đã làm lu mờ cuộc họp thường niên hôm thứ 3.
Giám đốc điều hành Sato đã lên tiếng xin lỗi về vấn đề chứng nhận xe. Ông nói với các cổ đông: “Chúng tôi sản xuất và bán ô tô mà không tuân theo quy trình chứng nhận phù hợp. Chúng tôi đang nỗ lực cải tạo nền văn hóa đó”.
Cuộc họp cổ đông năm ngoái của Toyota đã trở thành một cuộc trưng cầu dân ý thực tế về chiến lược xe điện của công ty, sau khi một số người phản đối việc tái bổ nhiệm ông Toyoda và cho rằng chính “cách tiếp cận đa đường” của ông đã khiến hãng này tụt hậu so với các đối thủ toàn cầu trong quá trình chuyển đổi xe điện.
Toyota từ lâu đã bị chỉ trích vì cố gắng cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn bằng cách theo đuổi phát triển nhiều hệ truyền động, bao gồm động cơ đốt trong, động cơ điện-ắc quy và pin nhiên liệu hydro. Vào tháng 5, hãng đã tiết lộ nguyên mẫu của động cơ trung tính carbon - có khả năng chạy bằng nhiều loại nhiên liệu.
Được khuyến khích bởi sự phổ biến trở lại của xe hybrid khi tốc độ tăng trưởng của thị trường xe điện bị chững lại, Toyota và các đối thủ cạnh tranh trong nước cho biết động cơ đốt trong vẫn có vai trò đáng kể ngay cả khi ngành công nghiệp này đang gấp rút loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.