Chuyện ba cha con liệt sĩ gắn với những ngôi nhà Hà Nội
TP - Có tư tưởng tiến bộ luôn hướng tới lợi ích dân tộc, nên BS Nguyễn Văn Luyện hết sức ủng hộ cách mạng và Chính phủ mới trong những ngày đầu còn non trẻ như một tình cảm tự nhiên…
Xế bên mép cổng tòa báo Tiền Phong, gọi quán cho có chứ chỉ là cái khoảng trống lọt thỏm bày vài cái ghế nhựa, mấy cái cốc thủy tinh nước chè, cái điếu cày. Tất thảy nép vào những cao ốc mới xây ngất nghểu. Vậy mà lúc nào cũng có người tụ.
… Đỗ Chu vừa ghé quán ấy. Lão đi đâu tạt qua? Có lẽ từ đằng nhà số 9 (trụ sở Hội Nhà văn ở phố Nguyễn Đình Chiểu)? Ăn vận chỉn chu. Vét nhưng thường không có cà vạt.
Lão tựa hẳn người vào gốc xà cừ già đã bạnh ra những u mấu cổ thụ. Trên tay lão rung rung cái điếu cày. Chừng như điếu lẫn đóm là thứ đạo cụ cho câu chuyện lão thêm rôm.
Lão vỗ vỗ vào mảng mốc thếch gộc cây, chất giọng tự dưng cảm khái hẳn “mà cái gộc xà cừ này có từ thời ông ấy đấy!”
Ông ấy là ông nào vậy? Chúng tôi xúm thêm vào một cái góc của lão ma xó vừa hé.
Từ thời ông ấy… Lão đang nói đến chủ nhân của ngôi nhà 15 Hồ Xuân Hương - nguyên ủy cái tòa báo chúng tôi hồi chưa xây mới. Biệt thự 15 Hồ Xuân Hương của Bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Luyện.
Gạt qua và bóc tách những râu ria rườm rà điếu đóm (sau này có hỏi thêm) rồi chúng tôi cũng thủng được chuyện của Đỗ Chu.
Hóa ra BS Nguyễn Văn Luyện mà Đỗ Chu đang nói quê ở Bắc Ninh . Chỉ cách con phố nhà của Chu Bá Bình (tên thật của Đỗ Chu) một quãng ngắn.
BS Nguyễn Văn Luyện, Đỗ Chu không biết mặt. Bởi ông sinh vào thế kỷ 19 (năm 1898). Nhưng Đỗ Chu khá rành các chuyện về vị BS Luyện, về gia thế một nhà có máu mặt ở Kinh Bắc. BS Luyện có ông nội làm quan Thái y. Cụ thân sinh BS Luyện từng được triều đình phong làm Chánh thất phẩm Hàn lâm viện thị giảng học sỹ.
Biệt thự 15 Hồ Xuân Hương của BS Nguyễn Văn Luyện sau là Tòa soạn báo Tiền Phong (thời chưa xây mới). |
Năm 24 tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Luyện vào học Y khoa Đông Dương. Chàng học giỏi lắm nên được cấp học bổng sang Pháp học. Năm 1928, tại Paris, Nguyễn Văn Luyện hoàn thành luận án "Nghiên cứu y học xã hội về tử vong của trẻ sơ sinh".
Luận văn này được đánh giá xuất sắc và ngạc nhiên chưa, Đỗ Chu khẳng định “Luận án hiện vẫn còn được lưu trữ tại Thư viện Khoa học Paris và Thư viện Quốc gia Hà Nội.
Về nước, BS Nguyễn Văn Luyện vẫn một tâm nguyện với sự nghiệp cứu giúp, bảo vệ trẻ em. Ông đã từng đi tới các vùng núi rừng thiêng nước độc Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái… để khám, chữa bệnh cho người nghèo.
Một thời gian sau, BS Luyện đã không làm cho Pháp mà mở nhà thương tư ở 167 Phùng Hưng (Hà Nội) để hỗ trợ người nghèo. BS Luyện khi ấy đã có gia sản không nhỏ, có mấy ngôi nhà. Trong đó có ngôi biệt thự 15 Hồ Xuân Hương, con phố có tên Giabui (rue Jabouille) mà hồi năm 1945 BS Trần Văn Lai, Thị trưởng thành phố Hà Nội đã lấy tên nữ sĩ tài danh Hồ Xuân Hương thay cho cái tên tây ấy. Ý định cải tạo lại ngôi biệt thự 15 Hồ Xuân Hương để mở Trường tư thục với mục đích mở mang dân trí cho con em nhà nghèo của BS Nguyễn Văn Luyện đã được nhiều tờ báo ở Hà Nội công khai khi phỏng vấn BS.
Ngoài cuốn "Sản dục chỉ nam" (hướng dẫn cách chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh) BS Nguyễn Văn Luyện còn có tài làm báo. Nhà văn Học Phi, từng là bạn thân với BS đã nhắc đến Tòa soạn báo Tin Mới của BS Nguyễn Văn Luyện trong một hồi ức, được in ấn, tái bản nhiều lần.
BS Nguyễn Văn Luyện. |
“Sở dĩ tôi muốn làm báo là vì làm thầy thuốc thì chỉ chữa được bệnh cho một số ít người, còn làm báo thì có thể chữa cho hàng ngàn hàng vạn người cùng một lúc”.
Đầu năm 1940, BS Luyện mở tờ báo tư nhân hằng ngày Tin Mới. BS Nguyễn Văn Luyện làm Giám đốc, trụ sở tòa soạn tại số 5-7 phố Giuyliêng Blăng. Số báo đầu tiên ra ngày 27/1/1940 đã thu hút được sự chú ý của độc giả và ngay lập tức gây được tiếng vang rộng lớn trong giới báo chí. Vì báo ra khổ rộng, chữ tốt, trình bày đẹp như một tờ báo hằng ngày của Pháp, lại có máy rôtativơ 16 bát, in nhanh, kịp đưa tin giờ chót vào phút cuối, nên bán rất chạy.
Có tư tưởng tiến bộ luôn hướng tới lợi ích dân tộc, nên BS Nguyễn Văn Luyện hết sức ủng hộ cách mạng và Chính phủ mới trong những ngày đầu còn non trẻ như một tình cảm tự nhiên.
Với tài năng và nhiệt huyết cách mạng của một trí thức yêu nước có trái tim nhân hậu, luôn hướng tới lợi ích dân tộc, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy…
Phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cử một Ban cố vấn gồm 10 người tài đức giúp Chủ tịch Chính phủ. Ban đầu, Người mới nhắm được 6 vị đệ trình với Hội đồng Chính phủ: cụ Bùi Bằng Đoàn, BS Nguyễn Văn Luyện, giáo sĩ Lê Hữu Từ, cụ Ngô Tử Hạ, cụ Bùi Kỷ và cụ Lê Tại…
Bàn thờ LS Nguyễn Văn Luyện. |
Rồi cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, tại Thủ đô Hà Nội có 74 ứng cử viên ra tranh cử để chọn ra 6 đại biểu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Duy Hưng, luật sư Vũ Đình Hoè, BS Nguyễn Văn Luyện, kĩ sư Hoàng Văn Đức và GS Nguyễn Thị Thục Viên.
Kì họp Quốc hội đầu tiên (2/3/1946), BS Nguyễn Văn Luyện được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội (đến tháng 10/1946 là ủy viên chính thức). Sau đó, ông được tín nhiệm cử làm thành viên phái đoàn tham gia Hội nghị trù bị Đà Lạt (từ ngày 12/4/1946 đến 12/5/1946; Cố vấn của phái đoàn Chính phủ do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đi đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau (từ ngày 6/7 đến 10/9/1946).
Những ngày cuối năm 1946, tình hình ở Hà Nội căng thẳng với những hành động gây hấn liên tục của thực dân Pháp. Trong bối cảnh nguy cấp đó nhiều người đã khuyên bác sĩ nên đi sơ tán, đề phòng Pháp trả thù nhưng chỉ có vợ ông là bà Phùng Thị Thược cùng 3 cô con gái đi tản cư. Còn BS Nguyễn Văn Luyện cùng em vợ là ông Phùng Văn Chương và hai con trai (Nguyễn Quang Giám, Nguyễn Đình Minh) đã quyết định ở lại!
Cũng cần phải nói thêm, tại sao Pháp căm BS Luyện? Bởi sau Cách mạng Tháng Tám, lợi dụng cơ hội Đồng Minh thắng trận và quân đội Nhật còn đóng ở sân bay Gia Lâm, thực dân Pháp cho phái viên nhảy dù xuống sân bay, chắc mẩm sẽ liên hệ được với những cơ sở xã hội của chúng ở Hà Nội trong đó có yếu nhân BS Nguyễn Văn Luyện. Nhưng chúng thực sự choáng váng trước thời điểm đó, BS Nguyễn Văn Luyện, chủ báo Tin Mới, bằng nhãn quan chính trị nhanh nhậy đã viết và cho in một cuốn sách lên án chính sách thuộc địa mới của Chính phủ De Gaulle và phanh phui thủ đoạn phỉnh phờ nhằm lôi kéo giới trí thức Việt Nam.
… Ngay trong đêm 19/12/1946, quân Pháp đã mò đến ngôi nhà riêng của BS Luyện ở 65 Lý Thường Kiệt (nay là Trụ sở Đại sứ quán Cu Ba) hòng bắt sống BS. Ngôi biệt thự đã trở thành pháo đài lô cốt kháng chiến của ba cha con BS Nguyễn Văn Luyện. Khẩu súng máy và vị trí lợi hại của ngôi biệt thự 65 Lý Thường Kiệt đã đẩy lui nhiều đợt công của quân Pháp. Gần sáng đạn hết, bọn Pháp đã xông vào biệt thự hạ sát cả 4 người!
Địa chỉ 65 Lý Thường Kiệt nơi 3 cha con BS Nguyễn Văn Luyện đã hy sinh đêm 19-12-1946. |
BS Nguyễn Văn Luyện - Bác sĩ có lẽ là Liệt sĩ đầu tiên của cuộc kháng Pháp cùng hai con trai sau này đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ.
… Nhớ thêm dịp kỷ niệm những năm chẵn năm lẻ Ngày Giải phóng Thủ đô này khác, nhà văn Đỗ Chu vỗ vào lưng tôi như một mệnh lệnh.
“Chú dự những họp hành lễ lạt này khác. Nên đề nghị cấp trên đặt một tên đường nào đó ở Hà Nội mang tên “Ba cha con liệt sĩ” để bà con Thủ đô nhớ về ba cha con BS Nguyễn Văn Luyện”.
Cấp trên? Lần ấy, tôi đã tìm đến UBND và HĐND TP Hà Nội.
Cậy được chỗ quen, tôi đã tỷ mẩn tra danh sách dằng dặc trong ngân hàng tên - danh nhân mà những đường phố, công trình ở Hà Nội dự định sẽ được đặt tên. Nhưng không thấy tên ba cha con Liệt sĩ?
May mắn. Muộn còn hơn không! Mãi tháng 7 năm 2024, cái tên phố Nguyễn Văn Luyện mới xuất hiện. Tại một con phố mãi ở quận Hà Đông. Đoạn từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Thanh Bình tại Khu đô thị mới Dương Nội đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối đường Đại Mỗ - Dương Nội (cạnh siêu thị Aeon Mall Hà Đông) đã được mang tên Nguyễn Văn Luyện.