Chuyện đời sau xóm chạy thận ‘nhặt’ từng ngày sống
Số phận đã khắc lên cuộc đời những con người nơi đây một ngã rẽ đầy đau đớn. Song bằng nghị lực vươn lên mạnh mẽ, họ vẫn đang kiên trì “nhặt nhạnh” sự sống mỗi ngày.
Nằm khuất trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, "xóm chạy thận" như một thế giới riêng biệt, nơi những số phận gặp nhau trong cuộc chiến chống lại bệnh tật.
Nói là ngõ nhưng nó hẹp đến mức chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy đi qua, ấy vậy nhưng đây lại là nơi cư trú của hơn 100 bệnh nhân phải gắn bó cả cuộc đời với máy chạy thận nhân tạo. Bên ngoài, cuộc sống vẫn tiếp diễn nhộn nhịp và rộng lớn, trong khi ở đây, những con người ấy phải đối mặt với sự ngột ngạt cả về không gian sống lẫn những cơ hội để tận hưởng cuộc đời một cách trọn vẹn.
Bước vào dãy trọ “xóm chạy thận” vào một chiều Hà Nội nóng quay quắt, khung cảnh trước mắt tôi là một dãy phòng lụp xụp, cũ kỹ và chật hẹp. Mái nhà được lợp bằng tôn và fibro xi măng, chỗ thì đã rách tả tơi, chỗ thì được che chắn tạm bợ bằng những tấm bạt cũ nát. Trong cái nắng như thiêu như đốt, những phòng trọ này không khác gì phòng xông hơi, khiến những người bình thường quen hít thở trong phòng điều hoà phải thốt lên hai từ “sợ hãi".
Điều kiện sống khó khăn là thế, song cái xóm hoàn cảnh này lại là nơi mà những bệnh nhân mang trên mình căn bệnh được gọi là “bản án chung thân không có hồi kết”, đang ngày đêm phải bám víu.
Tôi gặp nhiều người vừa từ bệnh viện trở về sau một đợt chạy thận mệt nhoài. Dù có vẻ sức khỏe đã khá hơn đôi chút, nhưng những dấu vết của sự kiệt quệ vẫn in hằn trên từng gương mặt hốc hác và làn da xám xịt. Những cánh tay gầy guộc, còn rớm máu sau mỗi lần kim tiêm xuyên qua, càng hằn lên sự mệt mỏi và đau đớn mà họ đang phải chiến đấu. Mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười gượng gạo đều ẩn chứa những câu chuyện về một cuộc chiến không ngừng nghỉ với bệnh tật và số phận nghiệt ngã.
Đang gom ve chai trước ngõ, chị Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1989) dường như đã trải qua những tháng ngày đầy sóng gió vì căn bệnh hiểm nghèo đeo đẳng suốt hai thập kỷ. Mỗi tuần 3 lần đều đặn, chị Oanh phải đến Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận. Chị vẫn giữ được sự tươi cười và tinh thần lạc quan, như một nguồn sáng trong không gian ảm đạm của xóm.
Hành trình gian khổ của chị bắt đầu từ năm 1998, khi căn bệnh viêm cầu thận bắt đầu tấn công cơ thể. Những cơn đau khớp dữ dội, sốt cao liên miên và tình trạng phù nề đã khiến cuộc sống của chị Oanh rơi vào khốn khó. Tuy nhiên nhờ có sự động viên sát cánh của chồng, chị đã kiên trì chiến đấu, không bỏ cuộc.
Hỏi ra mới biết, chồng chị Oanh cũng là một người khuyết tật, không thể đi lại mà chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn hoặc ngồi lết. Nói đoạn, hai bàn tay bối rối đan vào nhau, mắt người phụ nữ chỉ mới hơn 30 tuổi đỏ hoe: “Bình thường tôi mạnh mẽ lắm, nhưng khi nghĩ tới bố mẹ già ở quê, tôi lại thấy nghẹn lòng. Đáng ra bây giờ tôi phải phụng dưỡng bố mẹ, nhưng ngược đời bố mẹ lại vẫn phải lo lắng cho tôi. Hiện tại, tôi chỉ mong mình có đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị và có thể sống lâu hơn với người thân, có cực mấy tôi cũng chịu được”.
Trong lúc trò chuyện, tôi gặp chị Vũ Thị Thu (cũng sinh năm 1989), vừa trở về từ bệnh viện, số phận của chị càng khiến trái tim những người có cuộc sống đủ đầy như thắt lại.
Chị Thu từng là một cô sinh viên năm hai đầy nhiệt huyết, đang theo học trung cấp du lịch vào năm 2010. Những tưởng con đường phía trước sẽ tràn ngập trải nghiệm mới mẻ và cơ hội, nhưng số phận đã khắc lên cuộc đời chị một ngã rẽ đầy đau đớn. Những cơn đau đầu, buồn nôn cùng huyết áp cao thường xuyên khiến chị phải lo lắng. Một lần, khi đi chơi cùng bạn bè, chị bất ngờ đo huyết áp thấy vượt ngưỡng bình thường, khiến chị phải tức tốc đến bệnh viện kiểm tra. Sau một loạt các xét nghiệm và thăm khám, bác sĩ kết luận chị phải chạy thận định kỳ.
"Lúc đó, tôi cứ nghĩ đây chỉ là một căn bệnh bình thường thôi, chắc rồi cũng sẽ khỏi nhanh thôi. Nhưng rồi các cô chú trong viện bảo rằng “bệnh này là án chung thân” con ạ. Nghe xong, tôi thực sự sụp đổ. Phải từ bỏ việc học để dành tiền chạy thận, tôi như rơi vào hố sâu tuyệt vọng", chị Thu nghẹn ngào kể.
Thời gian trôi qua, cô gái ấy dần học cách chấp nhận thực tại và tìm cách vượt qua. Tưởng chừng cuộc đời đã chịu đủ sóng gió, nhưng biến cố lại tiếp tục ập đến. "Bản thân tôi như thế nào thì mình cũng cố gắng vượt qua vì còn bố mẹ là nguồn động lực to lớn, nhưng giờ đây, niềm động lực ấy cũng đang chực chờ đón tử thần mất rồi”, chị Thu nghẹn giọng.
"Khi mình đã chấp nhận số phận và cố gắng vượt qua, thì bố lại bị bệnh tim, còn mẹ vừa mới phát hiện bị ung thư, đang nằm viện K xạ trị. Muốn thăm con cũng không đi nổi…", nói đến đây, đôi mắt chị nhòa đi. Lòng tôi cũng lặng lại, không khỏi xót xa khi nghĩ đến những gian truân mà người phụ nữ nhỏ bé này đã và đang phải trải qua.
Ngày qua ngày, những bệnh nhân suy thận ở xóm trọ nhỏ bé này vẫn phải gồng mình chiến đấu với bệnh tật, vừa mưu sinh vừa duy trì sự sống. Họ làm đủ mọi nghề để kiếm thêm thu nhập, từ những công việc nặng nhọc như chạy xe ôm, rửa bát thuê đến những việc nhẹ nhàng hơn như bán nước, nhặt ve chai. Với họ, mỗi ngày trôi qua là một cuộc chiến không ngừng nghỉ. Khi sức khỏe đã suy kiệt và không còn khả năng lao động, họ chỉ còn cách cắt giảm bữa ăn, bớt đi liều thuốc, chấp nhận sự sống dần bị rút ngắn, mong manh như sợi chỉ.
Ở đây, người trẻ có, người già có. Tôi gặp bà Lê Thị Khuyến, một người phụ nữ với gương mặt hiền hậu, luôn lạc quan dù đã chạy thận suốt 12 năm.“Một lát nữa cô sẽ nấu nước rồi cho vào mấy cái chai này mang đi bán rong, chiều lại vào viện chạy thận. Hy vọng hôm nay có thể kiếm được kha khá để đóng tiền điện”, bà Khuyến tay thoăn thoắt rửa sạch những chai nhựa, miệng tươi cười kể. Nhìn bà hăng say làm việc, ít ai nghĩ rằng bà đang phải đối mặt với căn bệnh suy thận mỗi ngày.
Bất chợt, bà Khuyến gọi to về phía đầu ngõ: "Hôm nay nhiều khách không chú Điều ơi?" - giọng bà vang lên vui vẻ. “Nay đang đánh cờ thôi chị ơi”, anh Phạm Văn Điều, người đàn ông sở hữu quán cắt tóc nhỏ, đáp lời.
“Cả xóm trọ này coi nhau như người nhà, chỗ cắt tóc của tôi cũng được mọi người hỗ trợ dựng lên mà không mất kinh phí. Ngoài giờ chạy thận, tôi quay về đây cắt tóc kiếm thêm thu nhập trang trải. Sống thì phải sống có ích, em nhỉ”, anh Điều - người đã chạy thận hơn 20 năm tâm sự với ánh mắt đầy nghị lực. Giờ đây, hạnh phúc đơn giản của anh là “Mỗi sáng thức dậy, tôi biết mình còn sống thêm một ngày nữa, được chứng kiến các con lớn khôn, trở thành những người lương thiện”. Đó là động lực để anh kiên trì chữa bệnh.
Mỗi cư dân ở đây đến từ những tỉnh thành khác nhau của miền Bắc, có người mới đến vài tháng, có người đã gắn bó hơn 20 năm. Từ những thanh niên chưa đến 30 tuổi đến những cụ già ngoài 80, tất cả họ đều đang ngày đêm vật lộn với cuộc sống, nỗ lực vượt qua những khó khăn, gian khổ. Chị Vũ Thị Thu, người phụ nữ trẻ cũng kiếm thêm thu nhập từ việc làm tranh giấy hay chị Nguyễn Thị Oanh vẫn ngày ngày cặm cụi với gánh đồng nát khắp các con ngõ.
Xa gia đình, sống trong những căn phòng chật chội, thiếu thốn, điều kiện sống vô cùng khó khăn, thế nhưng rất nhiều người vẫn quyết định bám trụ lại xóm chạy thận, dù có cơ hội quay về quê hương. Lý do là vì ở nơi đây, họ tìm thấy những người bạn đồng cảnh ngộ, những người mà họ có thể chia sẻ nỗi đau bệnh tật và cùng nhau nương tựa để vượt qua những tháng ngày khó khăn.
"Với chúng tôi, sống tiếp mới là điều khó khăn, buông xuôi thì dễ lắm. Chỉ cần dừng uống thuốc một ngày là coi như xong. Nhưng phải cố gắng sống tiếp vì con, vì cháu, vì biết rằng gia đình mình vẫn còn đây" - câu nói của bà Lê Thị Khuyến như một lời nhắc nhở rằng, dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu, thì niềm hy vọng và tình yêu thương gia đình vẫn là sức mạnh to lớn giúp họ vượt qua mọi gian khổ.
Căn bệnh suy thận đã cướp đi của chị Thu giấc mơ tuổi trẻ và buộc chị phải tạm gác lại những hoài bão đôi mươi. Chị Oanh không còn cơ hội được phụng dưỡng cha mẹ khi họ già yếu và bà Khuyến cũng chẳng thể gần gũi con cháu mỗi ngày trong những năm tháng cuối đời. Thế nhưng, trong những khoảnh khắc khó khăn ấy, họ không chỉ đơn thuần bám víu vào sự sống, mà còn tìm thấy ý nghĩa sâu sắc trong từng hơi thở, từng giây phút tồn tại.
Chính những giá trị giản đơn ấy đã giúp họ nuôi dưỡng niềm tin, duy trì hy vọng và tích lũy sức mạnh để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Những con người ở đây đang sống với một nghị lực phi thường, khẳng định rằng, dù cuộc đời có khó khăn đến đâu, họ vẫn sẽ kiên cường vươn lên, không bao giờ bỏ cuộc.