Chuyên gia dự báo thời điểm 'con sóng lớn thứ 4' xuất hiện trên TTCK năm 2025
Chuyên gia VPBankS ước tính thanh khoản bình quân thị trường chứng khoán năm 2025 đạt 23.000 tỷ đồng/phiên, cao nhất có thể lên tới 26.000 tỷ đồng.
Hội thảo VPBankS Talk #4 diễn ra ngày 16/12 |
Chưa đầy nửa tháng nữa là năm giao dịch 2024 khép lại. Dù thị trường đối diện nhiều rủi ro từ tỷ giá, áp lực ngoại biên và đợt bán ròng kỷ lục từ nhà đầu tư nước ngoài, VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 10% so với cuối năm 2023. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 15,8%, tương đương 67,2% GDP của năm 2023.
Tại Talkshow Phố Tài chính, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành HoSE, đánh giá thị trường năm 2024 có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với năm 2023 nhờ nền kinh tế phục hồi, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, dự báo về năm 2025 tại hội thảo VPBankS Talk #4, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS Research, nhận định VN-Index sẽ tiếp tục rung lắc trong nửa đầu năm nhưng có thể thăng hoa vào cuối năm, đạt đỉnh 1.400 điểm.
Ông Sơn ước tính thanh khoản bình quân năm 2025 đạt 23.000 tỷ đồng/phiên, cao nhất có thể lên tới 26.000 tỷ đồng, với vùng trũng thanh khoản rơi vào các tháng 4-6/2025. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư trung hạn giải ngân, đón sóng tăng vào cuối năm.
Theo vị chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nhờ P/E thấp hơn trung vị 10 năm và cạnh tranh so với các thị trường mới nổi. Quá trình nâng hạng thị trường vào nửa cuối năm 2025 được kỳ vọng sẽ tạo nên "con sóng lớn thứ 4", tiếp nối đà tăng trưởng mạnh mẽ của giai đoạn 2023-2024. Dòng vốn ngoại cũng có thể quay trở lại các thị trường mới nổi khi chính sách tiền tệ toàn cầu chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển trong năm 2025, HoSE đã xây dựng chiến lược cụ thể, bao gồm:
- Thứ nhất, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả, phục vụ lộ trình nâng hạng và tái cấu trúc thị trường;
- Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu của thành viên thị trường và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Tài chính;
- Thứ ba, nâng cao năng lực giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch và hỗ trợ các công ty niêm yết thực hiện tốt công bố thông tin;
- Thứ tư, tăng cường nhận thức và thực hành về các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để hướng đến phát triển bền vững;
Cuối cùng, HoSE sẽ tiếp tục chuẩn hóa công tác quản trị nội bộ, nâng cao năng lực chuyên môn để hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
>> Chuyên gia gợi ý 6 cổ phiếu tiềm năng dịp 'Tết đến, Xuân về'