Cổ phiếu Apple xuống mức thấp nhất 7 tuần, giá trị vốn hóa thị trường ‘bốc hơi’ 100 tỷ USD
Sau khi tăng khoảng 50%, lên mức cao kỷ lục vào năm 2023, cổ phiếu Apple đã có 1 phiên lao dốc mạnh.
Giá cổ phiếu của Apple  vừa giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tuần, sau khi Barclays hạ bậc xếp hạng đối với cổ phiếu của công ty có giá trị lớn nhất thế giới này do lo ngại nhu cầu đối với các thiết bị từ iPhone  tới Mac sẽ vẫn thấp trong năm 2024.
Được biết Barclays  là công ty môi giới thứ hai đưa ra mức xếp hạng "bán" đối với cổ phiếu của Apple.
Nhà phân tích Tim Long của Barclays đã xếp hạng cổ phiếu Apple từ “trung tính” xuống “giảm tỷ trọng” do nhu cầu đối với iPhone suy yếu. Ông cho rằng cổ phiếu của hãng này có thể giảm khoảng 13% xuống còn 160 USD trong 12 tháng tới.
Sự sụt giảm cổ phiếu khiến giá trị vốn hóa thị trường của Apple sụt giảm 100 tỷ USD, khi cổ phiếu hãng chốt phiên ở mức 185,64 USD.
iPhone hiện vẫn là sản phẩm quan trọng nhất của công ty và mang lại hơn 1/2 doanh thu. Ảnh: Fortune |
Thông thường, rất hiếm khi các nhà phân tích đánh giá tiêu cực về công ty có giá trị cao nhất nước Mỹ. Theo dữ liệu do FactSet cung cấp cho Wall Street Journal, Apple được 40 trong số 44 nhà dự báo ở Phố Wall đánh giá tích cực.
Nhưng Tim Long cho biết doanh số bán iPhone 15 đang “mờ nhạt” dần, đặc biệt là ở Trung Quốc - nơi đã cấm các quan chức Chính phủ sử dụng sản phẩm của Apple do lo ngại về an ninh.
Ông cũng dự đoán doanh số bán iPhone 16, dự kiến ra mắt vào tháng 9, cũng sẽ yếu hơn dự kiến và nhận xét rằng: “Chúng tôi không thấy tính năng hay sự nâng cấp nào có thể khiến iPhone 16 trở nên hấp dẫn hơn”.
Dữ liệu từ LSEG chỉ ra số lượng đánh giá tiêu cực về Apple hiện ở mức cao nhất trong 2 năm qua. Cổ phiếu Apple chiếm 7% tỷ trọng trong S&P 500, chỉ số này giảm 0,56% trong ngày 2/1.
Trước đó, cổ phiếu Apple vẫn tăng gần 50% trong năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục vào giữa tháng 12, trong một năm mà các công ty công nghệ lớn dẫn đầu thị trường.
Hiện tại, Apple đang đối mặt với việc nhu cầu tăng chậm kể từ đầu năm 2023 và dự báo doanh số trong quý cuối năm 2023 sẽ ở dưới mức ước tính của các nhà phân tích trên phố Wall. Hiệu suất của Apple ở Trung Quốc cũng là điều đáng lo ngại sau sự hồi sinh từ đối thủ Huawei .
Barclays cũng cảnh báo rủi ro đang gia tăng với hoạt động kinh doanh dịch vụ của Apple, khi các nước như Mỹ đang xem xét các hoạt động của cửa hàng ứng dụng.
Các chuyên gia đánh giá “nhà Táo” sẽ gặp khó khăn hơn vào năm 2024 nếu muốn có thêm gần 1.000 tỉ USD vốn hóa thị trường như trong 2023.
Trong khi đang phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm trong 4 quý liên tiếp, công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới (hiện ở mức 2.890 tỉ USD) cũng phải đối mặt với tình trạng bất ổn ở Trung Quốc, nơi các cơ quan chính phủ đang có lệnh hạn chế dùng các thiết bị nước ngoài.
>> iPhone 15 “dậm chân tại chỗ”, Apple dùng chiêu gì để cứu vãn doanh thu?