Câu chuyện đầu tư

Cổ phiếu VNDirect (VND) lao dốc nửa năm, cổ đông vẫn 'nặng lòng' trái phiếu Trung Nam

Quốc Trung 24/10/2024 19:46

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các tin đồn pháp lý liên quan đến Trung Nam, ban lãnh đạo VNDirect khẳng định công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng với các phương án dự phòng, đảm bảo khả năng sinh lời và an toàn tài chính trong dài hạn.

Cổ phiếu VND về sát giá trị sổ sách

Cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect hiện giảm mạnh hơn 30% kể từ cuối tháng 3/2024, xuống còn 14.300 đồng/cp, mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua. Dù công ty vẫn báo cáo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm, sự giảm sút ở quý III và nhiều yếu tố khác đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Cổ phiếu VNDirect (VND) lao dốc nửa năm, cổ đông vẫn 'nặng lòng' trái phiếu Trung Nam
Diễn biến giá cổ phiếu VND

Tình hình kinh doanh của VNDirect không quá tồi tệ, nhưng cổ phiếu này lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hai yếu tố chính: Sự cố hệ thống giao dịch vào cuối tháng 3 và lo ngại liên quan đến trái phiếu của Trung Nam Group.

Vào tháng 3/2024, sự cố hệ thống giao dịch của VNDirect kéo dài hơn một tuần đã khiến cổ phiếu VND bị bán tháo mạnh. Cổ phiếu mất 23% giá trị chỉ trong một tháng do nhiều nhà đầu tư lo ngại về vấn đề bảo mật và sự ổn định của hệ thống. Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị phần môi giới của công ty. Cổ phiếu VND từ mức đỉnh 20.6x đồng đã giảm xuống dưới 15.000 đồng/cp chỉ sau hơn nửa năm.

>> Mất thị phần vào tay đối thủ, 3 hoạt động kinh doanh cốt lõi của VNDirect (VND) sụt giảm mạnh

Một trong những chiến lược của VNDirect là không chấp nhận đánh đổi biên lợi nhuận để giữ thị phần môi giới. Công ty đã từ chối tham gia vào cuộc đua giảm phí giao dịch về 0 đồng (zero fee) như nhiều công ty khác. Điều này giúp giữ biên lợi nhuận môi giới cao (gần 40%), nhưng doanh thu môi giới đã giảm mạnh khi khách hàng tìm đến các đơn vị có ưu đãi phí thấp hơn. Tuy biên lợi nhuận môi giới tốt, nhưng tầm quan trọng của mảng này trong cơ cấu doanh thu của VNDirect không còn lớn như trước.

Cổ đông lo ngại về trái phiếu Trung Nam

Rủi ro lớn nhất trong danh mục tự doanh của VNDirect đến từ khoản đầu tư vào trái phiếu (13.100 tỷ đồng), trong đó có trái phiếu của Trung Nam Group, một tập đoàn lớn trong ngành năng lượng. Cuối tháng 9/2024, công ty đã trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu ngắn hạn liên quan đến Trung Nam, với các giá trị: 25,8 tỷ đồng cho CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam; 17,6 tỷ đồng cho CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1; và 11,7 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam.

Cổ phiếu VNDirect (VND) lao dốc nửa năm, cổ đông vẫn 'nặng lòng' trái phiếu Trung Nam
Nguồn: BCTC quý III/2024 của VNDirect

Thông tin về việc trích lập dự phòng này xuất phát từ khó khăn mà Trung Nam gặp phải. Vào tháng 5/2024, ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam - đã bị cơ quan hải quan Khánh Hòa đề nghị hoãn xuất cảnh vì khoản nợ thuế hơn 21 tỷ đồng liên quan đến dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW. Trung Nam giải thích rằng việc chậm thanh toán tiền điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của công ty.

Đến tháng 7/2024, một thành viên khác của Trung Nam đã phải bán quyền kiểm soát một trong những dự án điện mặt trời lớn nhất để giảm áp lực tài chính.

Tại ĐHCĐ thường niên 2024 vào cuối tháng 6, cổ đông của VNDirect đã quan tâm về khả năng phá sản của Trung Nam và tác động đến VNDirect. Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT - khẳng định, ngay cả trong kịch bản xấu nhất, VNDirect vẫn có sự chuẩn bị và các phương án dự phòng rõ ràng, giúp hạn chế thiệt hại. Theo bà Hương, Trung Nam chủ yếu vận hành các dự án điện đã đi vào hoạt động, do đó rủi ro tài chính không quá lớn. Hơn nữa, quy mô trái phiếu của Trung Nam tại VNDirect không lớn và đều có tài sản đảm bảo.

Cổ phiếu VNDirect (VND) lao dốc nửa năm, cổ đông vẫn 'nặng lòng' trái phiếu Trung Nam
Bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT VNDirect

Bà Hương cũng nhấn mạnh, VNDirect đã tính toán kỹ lưỡng và có các phương án dự phòng từ hai năm trước để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh. Rủi ro của Trung Nam chủ yếu nằm ở tin đồn về pháp lý và những khó khăn về dòng tiền đầu tư, thay vì rủi ro về tài chính hay phá sản.

Ông Nguyễn Vũ Long, Tổng Giám đốc chia sẻ, VNDirect có tầm nhìn dài hạn khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cần đến 130 tỷ USD đầu tư cho phát triển điện trong 10 năm tới. Trung Nam là một trong số ít doanh nghiệp có đủ năng lực để triển khai các dự án cốt lõi, với doanh thu ổn định và chi phí vận hành thấp.

Nói về đà giảm mạnh của cổ phiếu VND, bà Phạm Minh Hương nhấn mạnh, bản thân không có thời gian theo dõi diễn biến giá cổ phiếu hàng ngày. Cổ phiếu VND đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tin đồn liên quan đến Trung Nam và vấn đề pháp lý. Bà Hương khẳng định rằng ban lãnh đạo công ty sẽ minh bạch thông tin để trấn an cổ đông, đồng thời cam kết nỗ lực tối đa để duy trì hiệu quả kinh doanh và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

>> Áp lực nợ ngắn hạn 21.700 tỷ đồng: Ngân hàng nào là chủ nợ lớn nhất của VNDirect (VND)?

VNDirect trích lập dự phòng nhiều khoản nợ xấu với nhóm Trung Nam

VNDirect (VND) gồng lỗ 55% với cổ phiếu của doanh nghiệp có quy mô 12.000 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-vndirect-vnd-lao-doc-nua-nam-co-dong-van-nang-long-trai-phieu-trung-nam-255846.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cổ phiếu VNDirect (VND) lao dốc nửa năm, cổ đông vẫn 'nặng lòng' trái phiếu Trung Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH