Để phục vụ việc xác thực, định danh, đăng nhập 1 lần và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, đến nay Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
Theo Văn phòng Chính phủ, cơ quan đảm trách nhiệm vụ vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 20/10, đã công khai, đồng bộ thông tin của 6.413 thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp 4.515 dịch vụ công trực tuyến phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản.
Tính từ ngày 20/9 đến ngày 20/10, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận 539.000 tài khoản đăng ký mới; hơn 8,4 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trong đó các bộ, ngành đạt tỷ lệ trên 78,5% và địa phương đạt hơn 68,5%.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tiến hành tiếp nhận, xử lý hơn 1,6 triệu lượt thực hiện các dịch vụ công tiện ích; hơn 2,3 triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện; hơn 1,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, với tổng số tiền 571 tỷ đồng.
Cũng trong tháng vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương để đưa vào triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”, “Đăng ký khai tử - Xóa hộ khẩu thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.
Việc triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông nêu trên đã giúp cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, thời gian thực hiện cũng như chi phí đi lại của người dân. Cụ thể, thời gian thực hiện đã giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc với nhóm dịch vụ về khai sinh và từ 25 ngày xuống còn 10 ngày với nhóm dịch vụ liên quan đến khai tử.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, tính đến 20/10, phần mềm dịch vụ công liên thông đã tiếp nhận và xử lý thành công 240.720 hồ sơ liên thông khai sinh và 20.023 hồ sơ liên thông về khai tử. Trong đó, một số địa phương có lượng hồ sơ phát sinh lớn là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Bình Định, Hải Dương...
Văn phòng Chính phủ cũng xác định một nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11/2023 là phối hợp với các bộ, ngành rà soát, giải quyết, khắc phục các tồn tại, vướng mắc và hướng dẫn các địa phương giải pháp để thực hiện hiệu quả 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”, “Đăng ký khai tử - Xóa hộ khẩu thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.
Cùng với đó, tập trung đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, đồng thời rà soát đánh giá, tái cấu trúc toàn bộ các dịch vụ công đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đặc biệt là thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn.
Trong văn bản mới gửi Bộ TT&TT về tình hình chuyển đổi số tháng 10, Văn phòng Chính phủ cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở tăng cường ứng dụng CNTT, liên thông thủ tục và tái sử dụng dữ liệu; thực hiện nâng cấp, hoàn thiện, kết nối, chia sẻ giữa cá hệ thống thông tin, phần mềm chuyên ngành phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn của Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động chính thức từ ngày 9/12/2019. Đây là đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, góp phần công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng.
Từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm cuối năm 2019, tính đến hết tháng 9/2023 Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn đã tích hợp, cung cấp 4.543 dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Từ 3/2025, triển khai đại lý dịch vụ công trực tuyến toàn địa bàn Hà Nội 
Đẩy mạnh thực hiện giải pháp phòng, chống lãng phí trong ngành Xây dựng