Cung đèo 15 tầng hiểm trở bậc nhất Việt Nam, dài chỉ 2,5km nhưng 'uốn' tới 14 khúc cua tay áo
Với 14 khúc cua quanh co cùng 15 tầng đèo dốc, nhiều người ví những cung đường này tựa như những bậc thang dẫn lên trời.
Theo Cục du lịch quốc gia, đèo Khau Cốc Chà nằm trên Quốc lộ 4A, men theo ngọn núi Cốc Chà, nối xã Xuân Trường với thị trấn huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng . Cung đèo này trải dài khoảng 2,5 km nhưng có tới 14 khúc cua tay áo tạo thành 15 tầng dốc hiểm trở. Theo lời kể của người dân địa phương, đèo xuất hiện từ thời Pháp thuộc có tên là Mẻ Pia, nhưng khi đó chỉ là một con đường mòn rộng khoảng 40cm. Địa hình hiểm trở và khó đi khiến người dân chỉ có thể di chuyển bằng cách đi bộ hoặc cưỡi ngựa, mất rất nhiều thời gian mới vượt qua được.
Từ năm 2009 đến 2011, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư mở rộng cung đường đèo này, nâng mặt đường lên 5m, trải nhựa được đổi tên thành Khau Cốc Chà. Những khúc cua tay áo  được xẻ sâu hơn vào vách đá để tăng diện tích mặt đường, giúp việc đi lại giữa huyện Bảo Lạc và các khu vực lân cận trở nên an toàn, thuận tiện hơn, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển. Tuy nhiên, Khau Cốc Chà vẫn được xem là một trong những con đèo hiểm trở nhất Việt Nam.
Lý giải về tên gọi độc đáo của con đường đèo này, theo người dân địa phương, trong tiếng dân tộc Tày, "Khau" có nghĩa là đèo, còn "Cốc Chà" là tên một bản người Tày nằm ở đỉnh đèo và cũng là tên một loại cây mọc rất nhiều tại khu vực này. Mặc dù đoạn đường từ chân lên đến đỉnh đèo chỉ dài khoảng 2,5km, nhưng với độ dốc cao, dựng đứng và nhiều khúc ngoặt nguy hiểm, du khách di chuyển bằng xe máy hay ô tô cũng phải mất gần 1 giờ để vượt qua.
Đứng trên đèo, du khách khó có thể thấy trọn vẹn sự hiểm trở, hùng vĩ và hoang sơ của cung đường do độ dốc lớn và tầm nhìn bị khuất. Tuy nhiên, từ đỉnh đèo, có một lối mòn nhỏ dẫn tới đỉnh núi Pác Thốc nằm chếch bên đối diện. Sau khoảng 15 phút đi bộ, du khách sẽ đến một điểm vọng cảnh do người dân địa phương dựng lên, trở thành nơi check-in lý tưởng. Đó là điểm dừng chân của nhiều du khách, đặc biệt là các “phượt thủ”. Tại vị trí này, du khách sẽ được ngắm nhìn trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ, hiểm trở và kỳ vĩ của đèo Khau Cốc Chà cùng một phần thung lũng  Đồng Mu, trung tâm xã Xuân Trường.
Từ đỉnh Pác Thốc nhìn xuống, đèo Khau Cốc Chà hiện lên như một dải lụa mềm mại vắt qua sườn núi, tạo nên một “nét vẽ” độc đáo tô điểm cho bức tranh xanh thẳm của núi rừng. Có người lại ví những tầng đèo như những bậc thang dẫn lên trời, hay đúng hơn là dẫn lên "Cổng trời Bảo Lạc".
Du khách khi đến đèo Khau Cốc Chà cần lưu ý đây khu vực có địa hình cao và hiểm trở, khiến việc di chuyển trở nên rất khó khăn và nguy hiểm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, du khách nên kiểm tra kỹ phương tiện trước khi đổ đèo. Do đường đèo có độ dốc lớn và nhiều khúc cua gấp, việc lái xe đòi hỏi người có kinh nghiệm, những ai tay lái yếu hoặc chưa quen với địa hình đồi núi không nên mạo hiểm thử sức tại đây.
Ngoài ra, cần tránh di chuyển trong thời gian có nhiều sương mù. Mặc dù “săn mây” từ trên đỉnh đèo mang lại cảm giác rất tuyệt vời nhưng điều kiện mây mù khiến việc di chuyển cực kỳ nguy hiểm và khó khăn. Tuy nhiên, nếu du khách vẫn muốn ngắm nhìn đèo vào thời điểm sương mù dày đặc có thể lựa chọn phương án cắm trại qua đêm tại đỉnh đèo để có thể ngắm nhìn khung cảnh đẹp nhất của đèo vào buổi sáng sớm.