Cuộc chiến với hàng giả: Siết chặt vòng vây để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp
Trong vài năm qua, nạn hàng giả và hàng nhái đã trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng và tinh vi, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử và chợ online, khiến người tiêu dùng hoang mang và khó phân biệt.
Hiện nay, không khó để bắt gặp những sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, Nike, và Adidas, được rao bán công khai với giá sốc, chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng. Chợ Ninh Hiệp ở Gia Lâm, Hà Nội , nổi tiếng là chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc, đang tràn ngập hàng hóa xuất xứ Trung Quốc nhưng được gắn mác các thương hiệu danh tiếng. Tại đây, người tiêu dùng có thể thấy sản phẩm được quảng cáo với nhiều nguồn gốc xuất xứ khác nhau, nhưng điểm chung là giá rẻ bất ngờ và gắn mác hàng auth.
Chợ Ninh Hiệp - Ảnh: Internet |
Gần đây, tại Thanh Hóa, Đội Quản lý Thị trường số 1 đã phát hiện gần 300 sản phẩm quần áo và dép trẻ em giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Gucci, MLB, và Louis Vuitton trong một cuộc kiểm tra đột xuất. Tất cả hàng hóa đã bị tạm giữ để điều tra và xử lý theo pháp luật.
Cũng tại Hải Phòng, lực lượng Quản lý Thị trường đã thu giữ hơn 740 món đồ giả mạo các thương hiệu hàng đầu như Gucci, Louis Vuitton, Hermes, và Nike, với tổng trị giá gần 200 triệu đồng.
Sự bùng nổ hàng giả phản ánh nhu cầu của nhiều khách hàng tìm kiếm hàng đẹp với giá rẻ, nhưng hậu quả của việc sử dụng hàng giả là nghiêm trọng. Hàng giả không chỉ làm giảm uy tín của các sản phẩm chính hãng mà còn ảnh hưởng nặng nề đến lợi ích của doanh nghiệp chân chính, gây tổn thất lớn về doanh thu và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.
Cuộc chiến chống hàng giả không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi cá nhân và sự phát triển bền vững của nền kinh tế , mỗi quyết định mua sắm đều có ảnh hưởng sâu rộng. Người tiêu dùng và cơ quan chức năng cần chung tay xóa bỏ nạn hàng giả, bảo vệ quyền lợi chính đáng và tạo dựng một thị trường công bằng hơn.
Để ứng phó hiệu quả với tình trạng hàng giả ngày càng tinh vi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg, phê duyệt đề án nhằm chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử đến năm 2025. Theo đó, lực lượng Quản lý Thị trường sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các hoạt động buôn bán hàng giả trên mạng xã hội như Facebook và Zalo. Đây là các nền tảng mà việc kiểm tra và quản lý gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi những biện pháp chuyên nghiệp và hiệu quả.
Các chuyên gia khuyến nghị cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải tiến công nghệ, và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vững mạnh để chống hàng giả hiệu quả. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử cần cam kết không kinh doanh hàng giả và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của tất cả các bên tham gia thương mại điện tử.
>>Gần 8.000 container tồn đọng làm giảm năng lực cảng biển Việt Nam 
Xử phạt vi phạm thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 
Kênh thương mại điện tử chỉ bán hàng chính hãng, liên tục tung khuyến mại