Ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc của cựu kỹ sư Google Colin Huang chỉ kéo dài hơn hai tuần.
Màn trượt giá hôm đầu tuần của cổ phiếu PDD Holdings – công ty  mẹ sàn thương mại điện tử Temu – đã khiến tài sản ròng của Huang “bốc hơi” 14,1 tỷ USD.
Theo Bloomberg, Huang rơi xuống vị trí thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ròng 35,2 tỷ USD.
Đây là sự sụt giảm đáng kể đối với nhà sáng lập  PDD, người mà mới ngày 8/8 vừa trở thành tỷ phú công nghệ đầu tiên nhiều tiền nhất Trung Quốc trong 3 năm trở lại đây, thế chân “ông trùm” nước đóng chai Zhong Shanshan.
Zhong đã đoạt lại ngôi vị số 1 vào ngày 26/8 với tài sản ròng 50 tỷ USD.
PDD ghi nhận doanh thu quý II thấp hơn kỳ vọng của nhà đầu tư  và cảnh báo tăng trưởng doanh số sẽ chậm lại. CEO Chen Lei liên tục nhắc lại quỹ đạo hiện tại của PDD không bền vững, trong bối cảnh các đối thủ như TikTok và Alibaba đang tìm mọi cách giành giật những khách hàng nhạy cảm với giá.
Theo ông Chen, công ty đối mặt với cạnh tranh trên các mặt trận khác nhau và các yếu tố bất ổn bên ngoài. Vì thế, ban quản trị tin rằng đây không phải lúc thích hợp để mua lại cổ phiếu hay trả cổ tức. Trong tương lai gần, họ cũng không nghĩ cần làm như vậy.
Tốt nghiệp thạc sĩ Khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin (Mỹ) năm 2004, Huang gia nhập Google khi “gã khổng lồ” chuẩn bị tiến vào thị trường Trung Quốc. Ông trở về quê hương năm 2006 để giúp Google thiết lập văn phòng ở đây. Năm 2007, ông nghỉ việc tại Google.
Huang thành lập PDD năm 2015 sau khi ra mắt một số doanh nghiệp game và thương mại điện tử. Cựu kỹ sư Google nhanh chóng tiến vào hàng ngũ những người giàu nhất thế giới.
Đầu năm 2021, ông sở hữu tài sản lên tới 71,5 tỷ USD. Ông rời vị trí CEO năm 2020 và Chủ tịch ban quản trị năm 2021, khi Trung Quốc bắt đầu siết quản lý Big Tech.
PDD nổi tiếng với các món hàng hóa siêu rẻ kèm khuyến mãi lớn, thu hút khách hàng quan tâm đến giá khi lạm phát tăng vọt. Công ty đánh sang thị trường nước ngoài dưới thương hiệu  Temu và là một trong những ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ sau màn xuất hiện hoành tráng năm 2022. Từ đó tới nay, Temu còn thách thức đối thủ đồng hương Shein và ông lớn Amazon trong một vài phân khúc.
Dù vậy, PDD hứng chịu chỉ trích từ nhà cung ứng, nhân viên và chính phủ các nước. Hàng trăm người bán hàng nhỏ lẻ đã biểu tình trước các văn phòng PDD trong nước để phản đối những hình phạt mà họ cho là không công bằng. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang đề xuất vá lỗ hổng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ mua trên mạng.
(Theo Bloomberg, Insider)