Đại biểu Quốc hội: Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam khó cạnh tranh với hãng bay Vietjet
Đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đa chiều về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với những vấn đề về hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh với hàng không.
Tại cuộc thảo luận sáng 13/11, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ sự đồng tình với chủ trương xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam . Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về tuyến đường sắt dự kiến đi qua 20 tỉnh thành, nơi mật độ dân cư không quá đông, trong khi giá vé dự kiến lên đến 2 triệu đồng.
Đại biểu Bình phân tích rằng nếu tàu chạy ở tốc độ 350 km/h, thời gian di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sẽ mất khoảng 6-7 giờ. "Giá vé như vậy khó cạnh tranh với hãng bay Vietjet ", ông Bình cho biết.
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa) cho rằng việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào thời điểm này là hợp lý, không chỉ giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông mà còn mở ra cơ hội phát triển mới.
Ông Nguyên cho biết nếu tuyến đường sắt được triển khai với tốc độ 350 km/h, chẳng hạn, việc di chuyển từ Thanh Hóa đến Hà Nội sẽ chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì 2 giờ như hiện nay. Và với quãng đường từ Thanh Hóa đến TP.HCM, nhiều người có thể sẽ chọn tàu cao tốc.
Giá vé dự kiến lên đến 2 triệu đồng cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
Đại biểu Thanh Hóa cũng dẫn chứng thêm về thời gian di chuyển từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) tới TP.HCM, mất khoảng 1 giờ 45 phút. Tuy nhiên, nếu tính cả thời gian di chuyển từ điểm xuất phát đến sân bay (khoảng 1 giờ), cộng thêm thời gian chờ đợi làm thủ tục và có thể xảy ra sự cố trễ chuyến, tổng thời gian bay đến TP.HCM sẽ lên tới 5-6 giờ.
Trong khi đó, di chuyển bằng đường sắt sẽ không mất nhiều thủ tục, và thời gian đi lại có thể sẽ không thua máy bay.
Đại biểu Nguyên cũng đề xuất, thời gian khởi công của dự án nên được đẩy sớm hơn, khoảng vào cuối năm 2026.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, việc Chính phủ trình dự án là hoàn toàn phù hợp với các cơ sở thực tiễn và chính trị. Dự án này sẽ đi qua 20 tỉnh thành, với tổng cộng 23 nhà ga hành khách và 5 nhà ga hàng hóa.
Về hiệu quả, đại biểu nhấn mạnh rằng tuyến đường sắt này đi qua 20 tỉnh thành sẽ tận dụng tối đa tiềm năng của từng địa phương, đồng thời giúp tăng trưởng thu ngân sách cho các tỉnh thành này.
Theo ông Ngân, sự hiện diện của các nhà ga cũng sẽ tác động đến thị trường bất động sản địa phương, làm tăng giá đất. Vì vậy, vấn đề đấu giá đất ở những khu vực đó sẽ phân chia thế nào giữa địa phương và ngân sách Trung ương để bù cho dự án này cũng cần được tính đến.
Đại biểu cũng lưu ý rằng các quy hoạch cần được thực hiện đồng bộ. Hiện nay, quy hoạch của Hà Nội và TP.HCM chưa được Thủ tướng phê duyệt, và ông đề nghị khi phê duyệt quy hoạch, cần phải lồng ghép quy hoạch dự án vào để tránh phải điều chỉnh.