Đại biểu TP. HCM: ‘Xây dựng đưa Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương sẽ khẳng định lại vị trí lịch sử của cố đô’
Tại tổ TP.HCM, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Huế là một vùng di sản, đặc biệt di sản vật thể nhiều nhất còn tồn tại của nước ta.
Sáng ngày 31/10, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương  và nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng.
Tại tổ TP. HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Huế là một vùng di sản, đặc biệt di sản vật thể nhiều nhất còn tồn tại của nước ta.
Điều này có ý nghĩa về lịch sử, ghi nhận một giai đoạn lịch sử của nước ta. Tất cả di sản này phải được ghi nhận để góp phần nâng cao thương hiệu quốc gia Việt Nam.
"Người nước ngoài đến cũng muốn tham quan di tích lịch sử, văn hóa của nước ta. Chúng ta có điều kiện để giới thiệu, quảng bá những di sản văn hóa, lịch sử và sự tồn tại của Huế góp vào điều kiện đó. Xây dựng đưa Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương sẽ khẳng định lại vị trí lịch sử của cố đô", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Dù vậy ông Nghĩa cho rằng nghị quyết vẫn còn ngắn gọn, đơn giản. Ông đề nghị cần đưa vào nghị quyết những nguyên tắc về tài chính, đầu tư để Chính phủ có cơ sở cung cấp nguồn lực cần thiết để Huế đầu tư nhằm làm trọng chức năng đô thị di sản.
Theo ông Nghĩa: "Bảo tồn một đô thị di sản dù có lợi cho cả nước nhưng cực kỳ khó khăn, tốn kém. Vấn đề tiền ở đâu để tôn tạo, duy tu, bảo dưỡng và ngoài ra tiền đầu tư vào các hoạt động để phát huy, quảng bá. Việc này không thể chờ đợi địa phương tự túc, do vậy cần đưa hẳn vào nghị quyết để Chính phủ có cơ sở cung cấp nguồn lực cần thiết cho Huế".
Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Nguồn ảnh: Quốc hội |
Theo đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương như phương án Chính phủ đề nghị là hoàn toàn bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan; đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật. Việc thông qua Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương sẽ tạo tiền đề để TP. Huế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.
Bày tỏ nhất trí với các kiến nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế của TP. Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm, có những cơ chế tạo đột phá mới để TP. Huế phát triển nhanh, bền vững; đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp TP. Huế nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng TP. Huế giàu mạnh, xứng đáng với vị trí, tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Cùng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược tại miền Trung, kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận và có tiềm năng phát triển thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch của vùng. Bên cạnh đó, là cố đô của Việt Nam, Thừa Thiên Huế còn sở hữu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và có nhiều cơ sở nghiên cứu, giáo dục, y tế quy mô lớn, lâu đời.
Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã đầu tư và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại, đáp ứng tiêu chí của một đô thị lớn, bao gồm hệ thống giao thông, công trình công cộng và các khu kinh tế, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và đô thị lớn, trong đó Thừa Thiên Huế được xác định là khu vực có tiềm năng phát triển vượt trội trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục và y tế. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều tiêu chí của đô thị loại I, là tiền đề để chuyển thành đô thị trực thuộc Trung ương. Do vậy, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương là cần thiết và có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đòi hỏi Huế phải có quy hoạch đô thị phù hợp để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững. Do vậy, thành phố cần quan tâm đến việc mở rộng không gian đô thị, phân khu chức năng hợp lý, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo hoặc sử dụng đất không hiệu quả. Hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông và các dịch vụ công phải được nâng cấp tương xứng với vị thế mới của thành phố.
”Đặc biệt, Huế là nơi có nhiều di sản văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quan trọng của Việt Nam, do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản như Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, hệ thống lăng tẩm, đền đài là rất quan trọng. Cần tránh tình trạng phát triển đô thị gây ảnh hưởng đến các khu vực di sản, mất đi giá trị văn hóa đặc thù của thành phố”, đại biểu Thạch Phước Bình Lưu ý.
>> Dự án 148 Giảng Võ cùng nhiều công trình trên 'đất vàng' Hà Nội được gỡ vướng