Danh tính hãng xe đã triệu hồi nhiều nhất Việt Nam năm 2024
Những lỗi thường gặp nhất ở các xe triệu hồi bao gồm vấn đề với túi khí, bơm nhiên liệu, phần mềm điều khiển, hệ thống lái và hệ thống điện.
Trong năm 2024, các thương hiệu ô tô tại Việt Nam đã triển khai tổng cộng 33 chương trình triệu hồi để khắc phục các lỗi kỹ thuật, ảnh hưởng tới hơn 73.000 xe. Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, mặc dù số đợt triệu hồi giảm 6 chương trình so với năm 2023, nhưng tổng lượng xe bị ảnh hưởng lại tăng mạnh, với 19.758 xe nhiều hơn.
Theo dữ liệu tới ngày 27/12/2024, những lỗi thường gặp nhất ở các xe triệu hồi bao gồm vấn đề với túi khí, bơm nhiên liệu, phần mềm điều khiển, hệ thống lái và hệ thống điện. Đáng chú ý, không chỉ các dòng xe phổ thông mà ngay cả những dòng xe hạng sang với giá bán hàng tỷ đồng cũng không thoát khỏi tình trạng triệu hồi.
Honda dẫn đầu về số chương trình triệu hồi với 8 đợt, ảnh hưởng đến 28.649 xe. Hầu hết các dòng xe như Honda City, Civic, CR-V và cả những mẫu đã ngừng phân phối như Honda Jazz đều bị lỗi. Đáng chú ý, Honda CR-V e:HEV RS dù mới ra mắt thị trường Việt Nam chưa lâu nhưng đã 2 lần triệu hồi trong năm nay. Trong đó, đã có một đợt triệu hồi hơn 700 xe chỉ để thay sách hướng dẫn.
>> Mẫu xe Toyota mới khiến khách hàng xuống tiền tỷ không tiếc 
Toyota Việt Nam là thương hiệu có số lượng xe bị triệu hồi lớn nhất với tổng cộng 34.784 xe qua 8 chương trình (tính cả 3 vụ triệu hồi các mẫu ô tô hạng sang Lexus). Trong số này, đáng chú ý nhất là đợt triệu hồi 19.330 xe gồm các mẫu Veloz Cross, Yaris Cross và Avanza do lực siết đai ốc giảm chấn trước không đầy đủ.
Mercedes-Benz xếp thứ ba với 6.355 xe triệu hồi trong 5 chương trình, cho thấy xu hướng giảm so với năm ngoái.
Audi và VinFast cùng thực hiện 3 đợt triệu hồi, ảnh hưởng lần lượt 396 xe và 2.097 xe. VinFast triệu hồi nhiều dòng xe như VF 6, VF 8 và VF e34. Volvo đáng chú ý khi chỉ có 12 xe triệu hồi trong 2 chương trình.
Isuzu, Jeep, Porsche và Aston Martin mỗi thương hiệu chỉ thực hiện 1 chương trình triệu hồi trong năm qua, điều này cho thấy mức độ ảnh hưởng nhỏ hơn so với các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, với xu hướng gia tăng lượng triệu hồi, các nhà sản xuất cần tăng cường việc kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Điều này không chỉ đảm bảo uy tín của thương hiệu mà còn giúp bảo vệ quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng.
>> Cú bắt tay giúp Xiaomi có thêm 36.000 trụ sạc vào mạng lưới hạ tầng chỉ trong một ngày