Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai
Chiều 12/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia (Đề án) đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Tham dự phiên họp có 3 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng hiện nay, hệ thống đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao của Việt Nam đang lỡ hẹn với yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Bằng phương thức tiếp cận tổng hợp, liên ngành kỹ thuật-khoa học công nghệ-kinh tế, Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu để đưa ra quan điểm, cơ sở khoa học, thực tiễn đối với từng phương án để tìm ra kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao (công nghệ, độ an toàn, tốc độ, quy mô…) phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên của đất nước.
"Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai. Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu, mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể là hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ, để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững trong 'hệ sinh thái' giao thông vận tải hướng đến tự chủ phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông kỹ thuật", Phó Thủ tướng nói và lưu ý, Đề án cần cập nhật những thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tự động hoá, trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IOT)…
(TyGiaMoi.com) - Cơ hội làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức quản trị
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đường sắt Việt Nam đã từng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 1980-2005, hiện đang mất dần vai trò, thị phần giảm sút, không cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác. Hạ tầng đường sắt quốc gia lạc hậu. Tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu. Tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Nguồn nhân lực ngày càng mai một.
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu phát triển đường sắc tốc độ cao nhằm mở ra không gian mới để phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn công tác, khảo sát ở một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển, như: Thời điểm quyết định đầu tư; công tác chuẩn bị đầu tư; lựa chọn công nghệ, kỹ thuật; phương án khai thác; mô hình đầu tư; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực; mô hình quản lý…
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Danh Huy cho biết, Đề án đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng trong thời gian dài, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Hội đồng thẩm định Nhà nước, cũng như thông tin phản hồi của xã hội và người dân.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, địa hình tự nhiên, các hành lang kinh tế, trục tăng trưởng, đô thị lớn của đất nước đều chạy dọc theo tuyến Bắc-Nam đã cho thấy sự cần thiết phải đầu tư xây mới tuyến đường sắt đôi phục vụ hành khách và dự phòng vận tải hàng hoá khi có nhu cầu.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao ở các nước cho thấy cần đầu tư tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại thay vì cải tạo, sử dụng hạ tầng vốn có. Đây là cơ hội để ngành đường sắt làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức quản trị vốn đã lạc hậu rất nhiều so với thế giới.
"Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa trong phát triển đường sắt tốc độ cao", TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ.
Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cần đầu tư tuyến đường sắt mới, hiện đại để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên trục Bắc-Nam. Một số ý kiến đề nghị làm rõ kịch bản phát triển đường sắt khai thác chung khách và hàng hoá; hoặc riêng hành khách; quy mô, tốc độ; khả năng huy động nguồn lực, làm chủ công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá của công nghiệp đường sắt…
Cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, thực hiện thành công dự án, huy động nguồn lực đầu tư, đào tạo nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, công nghiệp, đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD)…
Lựa chọn kịch bản do thị trường quyết định
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc triển khai Đề án có căn cứ chính trị rõ ràng trong Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt.
Đề án cần tập trung làm rõ những căn cứ, luận điểm khoa học và thực tiễn về vai trò, vị trí của đường sắt tốc độ cao đối với sự phát triển của đất nước; chứng minh tính hiệu quả để giải bài toán nguồn lực huy động; đề xuất "gói cơ chế, chính sách pháp luật" về đầu tư, tài chính, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực…; tính toán nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số; Hình thành ngành công nghiệp để làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao…
Đề án phải khẳng định được vai trò của tuyến đường sắt tốc độ cao là "trục xương sống" trên hành lang Bắc-Nam, động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian phát triển mới; đưa ra các mục tiêu rõ ràng dựa trên cơ sở phân tích kỹ thuật, công nghệ, tài chính; đề xuất công việc, nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành, địa phương; góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ;…
"Việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định, trong đó khâu dự báo nhu cầu là rất quan trọng để tính toán hiệu quả đầu tư", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục mời các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế trong nước và quốc tế để nghiên cứu thấu đáo, giải trình đầy đủ, thuyết phục đối với những vấn đề đặt ra; kế thừa và tiếp thu nghiêm túc những điểm mới, phù hợp thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước cũng như xu thế trên thế giới.