ĐBQH Thái Văn Thành: Thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy
ĐBQH đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về nhà giáo
Thời gian soạn bài, chấm bài cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy
Theo thông tin đăng tải trên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, sáng 20/11, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 với nội dung thảo luận về dự án Luật Nhà giáo . Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An) đánh giá rằng hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo đã được xây dựng công phu, khoa học và bài bản, tuy nhiên, ông đề xuất bổ sung nội dung về cán bộ quản lý giáo dục là viên chức công tác tại cơ quan nghiên cứu khoa học đã từng là giáo viên, giảng viên vào khoản 5, Điều 4. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh cần làm rõ thuật ngữ “cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục” để tránh nhầm lẫn với “cơ quan quản lý giáo dục”, vì đây có thể dẫn đến hiểu lầm về sự tồn tại của hai hệ thống giáo dục khác nhau.
Liên quan đến chế độ làm việc của nhà giáo, Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm, cần có hành lang pháp lý đầy đủ và cụ thể. Ông đề nghị quy định rõ việc thời gian dành cho soạn bài và chấm bài của nhà giáo nên được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm hoặc trong tuần.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý rằng nội dung về quản lý nhà giáo đã được đề cập trong một số luật khác. Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về nhà giáo. Đồng thời, cần bổ sung quy định về việc phân cấp quản lý nhà nước  đối với đội ngũ nhà giáo.
Đóng góp thêm ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề xuất cần có quy định cụ thể cho hai nhóm đối tượng nhà giáo nhà giáo viên chức và nhà giáo giảng dạy theo hợp đồng. Ông cũng lưu ý về việc bổ sung quy định liên quan đến nhà giáo là người nước ngoài giảng dạy tại các trường học trong nước.
Khoản 1, Điều 8 và Khoản 1, Điều 9 của dự thảo luật quy định rằng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về viên chức. Các điều khoản khác trong dự thảo luật cũng được xây dựng theo hướng xác định nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập là viên chức.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận định rằng, trong các cơ sở giáo dục công lập, ngoài đội ngũ nhà giáo là viên chức, còn có một bộ phận nhà giáo làm việc theo hợp đồng lao động nhưng chưa được tuyển dụng viên chức.
Do đó, vị đại biểu đề xuất rằng dự thảo luật cần bổ sung quy định rõ ràng về cả hai trường hợp: nhà giáo là viên chức và nhà giáo làm việc theo hợp đồng lao động, nhằm đảm bảo bao quát và đáp ứng đầy đủ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của tất cả các nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập.
Xây dựng bảng lương riêng, phù hợp với đặc thù nghề giáo
Theo An ninh Thủ đô, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ vui mừng, ông cho rằng nếu Luật Nhà giáo được thông qua, các nhà giáo sẽ không còn phải loay hoay giữa các hoạt động chuyên môn và ứng xử xã hội. Theo đại biểu, luật cần được xây dựng với những quy định thật khắt khe, đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để các nhà giáo có thể toàn tâm, toàn ý với nghề.
Về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung nhấn mạnh rằng nhà giáo không chỉ cần nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp mà còn phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, cũng như chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội. Đại biểu cũng đề xuất quy định nhà giáo cần được ưu tiên trong các hoạt động xã hội, đồng thời nhấn mạnh phải cấm các hành vi và lời nói xúc phạm nhà giáo trong mọi trường hợp. Ông khẳng định rằng nhà giáo cần được tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, danh dự không chỉ trong hoạt động chuyên môn mà cả trong đời sống hàng ngày, "mọi nơi, mọi lúc".
Đại biểu lưu ý thêm rằng đội ngũ nhà giáo chiếm tới 70% số lượng viên chức hiện nay, nhưng họ vẫn đang áp dụng bảng lương dành cho đội ngũ viên chức nói chung, điều này là không phù hợp. Ông cho rằng ngay cả khi giáo viên được hưởng mức lương cao nhất trong bảng lương hiện tại, vẫn chưa phản ánh đúng đặc thù công việc của họ. Vì vậy, cần xây dựng một bảng lương riêng, phù hợp với đặc điểm và vị trí công việc của nhà giáo.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất quy định nhà giáo được mua nhà ở xã hội như các sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần được thiết kế để bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, tạo điều kiện để các nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến cho nghề.
>> Bộ trưởng GD&ĐT chia sẻ về việc xếp lương nhà giáo