Di tích được triều Nguyễn xây dựng từ thế kỷ XIX sẽ mở cửa miễn phí dịp nghỉ lễ Quốc khánh
Khách tham quan sẽ được miễn phí vé từ 7h đến 17h30 trong dịp Quốc khánh 2/9 khi tới đây.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khách tham quan sẽ được miễn phí vé từ 7h đến 17h30 trong dịp Quốc khánh 2/9 .
Nhiều năm qua, việc miễn phí vé tham quan các di tích ở Huế vào dịp này đã trở thành thông lệ do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai.
Trong dịp lễ Quốc khánh, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến sẽ đón khoảng 120.000 lượt khách, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023, với doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 132 tỷ đồng. Công suất phòng bình quân của các khách sạn vào ngày 31/8 đạt khoảng 64%, trong khi ngày 1/9 tăng lên trên 80%.
Hầu hết các khách sạn ở trung tâm thành phố Huế, các khu nghỉ dưỡng ven biển, đầm phá, suối thác, và các homestay trên địa bàn thành phố Huế, huyện Phú Lộc và huyện A Lưới đã gần như kín chỗ trong hai ngày này.
Xu hướng của du khách trong dịp lễ năm nay là đi theo nhóm gia đình, sử dụng ô tô cá nhân hoặc tàu hỏa, với mong muốn nghỉ ngơi, trải nghiệm và khám phá văn hóa cùng thiên nhiên địa phương. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã áp dụng chính sách giảm giá vé cho cả khách đoàn và khách lẻ, dự báo lượng du khách sử dụng tàu hỏa đến và đi từ Huế sẽ tăng mạnh.
Đường sắt Việt Nam dự kiến đón khoảng 13.000 lượt khách đến và đi tại Ga Huế. Riêng tuyến tàu du lịch kết nối di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng đã có khoảng 3.500 lượt khách đăng ký trong dịp lễ. Các đôi tàu của tuyến này đã kín chỗ trong hai ngày 31/8 và 2/9. Từ ngày 28/8 đến 3/9, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài dự kiến sẽ đón 330 chuyến bay đến và đi, vận chuyển khoảng 59.400 lượt khách.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết xu hướng du khách năm nay là đi theo nhóm gia đình bằng ô tô cá nhân và tàu hỏa, với nhu cầu nghỉ ngơi và trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên địa phương. Ngành du lịch tỉnh cũng đã lên kế hoạch tổ chức thêm các chương trình đặc biệt trong dịp lễ để phục vụ khách tham quan và vui chơi.
Được biết, Quần thể di tích Cố đô Huế bao gồm các di tích lịch sử - văn hóa được xây dựng bởi Triều Nguyễn từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, nay nằm trong phạm vi thành phố Huế và một số vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Phần lớn các di tích này do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
>> Tỉnh giàu nhất miền Tây sẽ đón khu công nghiệp sạch, tổng hợp đa ngành quy mô hơn 300ha