Đi tìm giải pháp để ngành chăn nuôi Việt Nam tiết kiệm 10 tỷ USD mỗi năm
Ngày 30/10, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Pleiku, Gia Lai.
Theo Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tây Nguyên  là vùng có lợi thế rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Hiện khu vực này có 5 triệu ha đất nông nghiệp với khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cây công nghiệp, cây lâu năm và cây ăn quả.
Bên cạnh đó, đây cũng là vùng có nhiều lợi thế về chăn nuôi với hơn 4 triệu con gia súc và 30 triệu con gia cầm.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn (một doanh nghiệp chăn nuôi với rất nhiều dự án quy mô tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ) cho biết, mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 10 tỷ USD để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Điều này có thể thấy ngành chăn nuôi của Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn thức ăn nhập khẩu.
Ông Hùng hiến kế cho các tỉnh cần quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi bám sát tiềm năng thế mạnh của địa phương, đồng thời xây dựng mô hình hợp tác xã cung cấp lương thực, thức ăn cho ngành chăn nuôi.
Ông cho biết thêm, ở khu vực Tây Nguyên cần có các dự án phát triển nguồn nguyên liệu chăn nuôi, tập trung tại các khu vực đất hoang hóa, đất không canh tác để cải thiện sinh kế cho bà con nông dân.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nguồn thức ăn chăn nuôi luôn tiềm ẩn rủi ro đứt gãy trước các biến động toàn cầu khi đang quá phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, về việc sản xuất bắp, đậu nành cho ngành thức ăn chăn nuôi, Việt Nam không thể so sánh với Mỹ hay Brazil nhưng ngành chăn nuôi trong nước cần phải chủ động một phần thức ăn chăn nuôi để giảm thiểu các rủi ro, biến động từ bên ngoài.
Bộ trưởng Hoan đề nghị các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên cần mở rộng không gian phát triển nông nghiệp; đồng thời cũng cần có sự chuẩn bị để vượt qua các rào cản thương mại của các thị trường.
Trong năm 2022, Việt Nam chi 5,6 tỷ USD để nhập khẩu  10,32 triệu tấn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 13,6% về giá trị so với năm 2021.
Trong năm 2022, có 916 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp nhập khẩu cao nhất là Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P Việt Nam với 409 triệu USD. Về số lượng, Việt Nam nhập khẩu Việt Nam nhập khẩu 39 chủng loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, so với năm 2021 giảm 2 chủng loại.
Đến năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương với 6,8 tỷ USD, chưa bao gồm nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật.
Trong đó, một số nguyên liệu được nhập khẩu chính như: khô dầu các loại 4,9 triệu tấn (tương đương 2,4 tỷ USD); ngô hạt 7 triệu tấn (tương đương 2,1 tỷ USD); lúa mì và yến mạch 1,4 triệu tấn (tương đương 453 triệu USD);...
Theo đánh giá từ các chuyên gia, ngành chăn nuôi Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển nhưng nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam phần lớn đều được nhập khẩu từ nước ngoài – chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong nước. Đặc biệt, ngành thức ăn chăn nuôi dòng nguyên liệu họ đạm thực vật phải nhập khẩu chiếm gần 90%, như đậu tương gần 100%.
Chính vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp thiết thực và phù hợp với tình hình của từng địa phương để ngành chăn nuôi có thể tự chủ, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tránh được những rủi ro, biến động từ bên ngoài.
>>Tỉnh được đặt tới 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam nỗ lực để đón ‘đại bàng làm tổ’