Địa phương mới hợp nhất từ 3 tỉnh ĐBSCL sẽ có thêm 2 cây cầu nghìn tỷ bắc qua nhánh sông Tiền, kết nối nội tỉnh
Những cây cầu chuẩn bị xây dựng này sẽ đóng vai trò quan trọng với khu vực, đặc biệt là khi 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre dự kiến sáp nhập.
Theo đề án sáp nhập tỉnh thành, ba tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre sẽ hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên là Vĩnh Long. Sau khi sáp nhập, tỉnh mới dự kiến sẽ triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm nhằm tăng cường kết nối nội vùng, trong đó nổi bật là hai dự án cầu Đình Khao và cầu Cổ Chiên 2, bắc qua sông Cổ Chiên - một nhánh của sông Tiền.
Dự án cầu Đình Khao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2024, triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng chiều dài 4,27km.

Công trình có điểm đầu giao với đường tỉnh 902 tại xã Mỹ An, huyện Mang Thít, Vĩnh Long và điểm cuối nối với quốc lộ 57 thuộc xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Dự án được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, trong đó riêng cầu Đình Khao vượt sông Cổ Chiên dài 1,54km. Tổng mức đầu tư dự án gần 3.000 tỷ đồng, dự kiến được triển khai từ quý III/2025 và hoàn thành vào quý IV/2027.
Song song với đó, tỉnh Trà Vinh mới đây cũng đã đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên 2 nhằm kết nối trực tiếp hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

Theo đề xuất, cầu Cổ Chiên 2 sẽ tạo thành mắt xích quan trọng trong tuyến hành lang ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dự án có tổng chiều dài 5km, đi qua địa bàn huyện Châu Thành (Trà Vinh) và huyện Thạnh Phú (Bến Tre), trong đó phần cầu chính dài 1,837km, mặt cầu rộng 22,5m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị sử dụng 100% vốn ngân sách trung ương để thực hiện công trình trong giai đoạn 2025–2029.
> > Sau khi sáp nhập, Việt Nam dự kiến có thêm 4 tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương