Sau khi sáp nhập, Việt Nam dự kiến có thêm 4 tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương
Sau khi thực hiện sáp nhập, dự kiến sẽ có thêm 4 tỉnh tiếp tục định hướng ‘cất cánh’ lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024, Chính phủ đã định hướng 7 tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, gồm: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, đến ngày 14/4/2025, tại Quyết định 759/QĐ-TTg, căn cứ theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh theo đề án tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đó, trong số các tỉnh được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương, có 3 tỉnh gồm Hải Dương, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thực hiện sáp nhập : Hải Dương sáp nhập với TP. Hải Phòng còn Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào TP. HCM.
Việc này khiến danh sách các tỉnh được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030 chỉ còn lại 4 tỉnh. Ngoài ra, Quyết định 759/QĐ-TTg cũng khẳng định tiếp tục giữ định hướng phát triển lên thành phố trực thuộc Trung ương đối với các địa phương đã được xác định trước đó.
Cụ thể, sau khi thực hiện sáp nhập, 4 tỉnh được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương gồm:
Quảng Ninh: Diện tích 6.207,93km2, dân số 1.362.888 người.
Bắc Ninh (sau sáp nhập với Bắc Giang, lấy tên là Bắc Ninh): Diện tích 4.718,6km2, dân số 3.509.100 người.
Ninh Bình (sau sáp nhập với Hà Nam và Nam Định, lấy tên Ninh Bình): Diện tích 3.942,6km2, dân số 3.818.700 người.
Khánh Hòa (sau sáp nhập với Ninh Thuận, lấy tên Khánh Hòa): Diện tích 8.555,9km2, dân số 1.882.000 người.

Theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương phải đáp ứng đồng thời nhiều tiêu chí nghiêm ngặt, gồm dân số tối thiểu 1 triệu người, diện tích tự nhiên từ 1.500km2 trở lên và đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I, hoặc đạt tiêu chí tương đương.
Bên cạnh đó, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ít nhất 9 đơn vị hành chính cấp huyện và tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc chiếm từ 60% trở lên, trong đó có tối thiểu 2 quận. Tuy nhiên tiêu chí này dự kiến sẽ được điều chỉnh khi hệ thống đơn vị hành chính cấp huyện chính thức xóa bỏ từ tháng 7/2025.
Về yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương này phải đảm bảo cân đối thu chi ngân sách ở trạng thái dương; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,75 lần so với bình quân cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt mức bình quân quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất thấp hơn hoặc bằng mức chung cả nước; cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt 90%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp ở khu vực nội thành, nội thị đạt 90%.
>> Sau sáp nhập, tỉnh mới này tiếp tục đặt tham vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương