Điểm đến mới của giới đầu tư

18-07-2023 06:51|QUÂN BẢO

Hiện, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các phòng khám trường thọ đã tăng lên 57 triệu USD vào năm ngoái, gấp đôi so với mức 27 triệu USD năm 2021.

>>VNG - Chiến lược đầu tư trên thua lỗ

Theo các nhà phân tích của Bank of America, doanh thu của ngành công nghiệp chống lão hóa toàn cầu hiện nay là 200 tỷ USD, con số này có thể sẽ tăng lên 600 tỷ USD vào năm 2025. Ở Mỹ - nơi chiếm 70% đầu tư toàn cầu vào các phòng khám trường thọ - giới siêu giàu sẵn sàng mạnh tay đầu tư để chữa “căn bệnh tuổi tác”.

Điển hình, vị CEO 37 tuổi Sam Altman của OpenAI, công ty mẹ đứng sau chatbot ChatGPT đã đầu tư 180 triệu USD (khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng) vào một công ty khởi nghiệp sáng tạo công nghệ sinh học Retro Biosciences với mục tiêu kéo dài tuổi thọ con người thêm một thập kỷ.

Trang web của Retro Biosciences cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là tăng tuổi thọ của con người thêm 10 năm. Điều này sẽ rất khó khăn và đòi hỏi nguồn lực đáng kể. Chúng tôi may mắn có được khoản tài trợ ban đầu trị giá 180 triệu USD từ CEO ChatGPT. Điều này sẽ giúp công ty có đủ khả năng để nghiên cứu, đưa ra những bằng chứng đầu tiên về kéo dài tuổi thọ và đảm bảo hoạt động của công ty trong suốt thập kỷ".

Bản thân CEO Sam Altman cũng đã chi đến 10.000 USD cho một công ty khởi nghiệp để đóng băng và sao lưu kỹ thuật số bộ não của mình.

Hiện nay, trường sinh dường như là lĩnh vực của giới siêu giàu, ít ra trong lĩnh vực đầu tư. Một nghiên cứu về những người trên 50 tuổi cho rằng yếu tố quan trọng nhất để dự đoán tuổi thọ là sự giàu có. Theo đó, những người giàu sẽ sống lâu hơn khoảng từ 8 đến 9 năm so với những người nghèo nhất.

Tỷ phú Sam Altman rõ ràng không phải người siêu giàu duy nhất có ý tưởng này. Hiện tại, người sáng lập Twitter - Jack Dorsey, hay Larry Ellison của Oracle, Larry Page của Google, Peter Thiel của PayPal và Mark Zuckerberg của Meta đều đang đầu tư vào nghiên cứu y sinh và các công nghệ mới mà họ kỳ vọng giúp mình sống mãi mãi (hoặc ít nhất là sống lâu hơn). Trong thập kỷ qua, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos và Peter Thiel đều đã đổ rất nhiều tiền vào nghiên cứu kéo dài tuổi thọ và chống lão hóa.

Đặc biệt, ông trùm công nghệ Bryan Johnson - người bán doanh nghiệp Braintree Venmo của mình cho PayPal với giá 800 triệu USD gần 10 năm trước, đang chi 2 triệu USD mỗi năm để tìm kiếm sự “trường sinh bất lão”. Doanh nhân Bryan đã gây chú ý toàn cầu vào hồi tháng 5 trong "cuộc trao đổi huyết tương giữa nhiều thế hệ" đầu tiên trên thế giới khi cậu con trai 17 tuổi Talmage của ông hiến huyết tương cho Bryan, còn bản thân ông sau đó đã hiến huyết tương cho người cha 70 tuổi Richard của mình.

Liệu những nỗ lực của những người giàu có nhiệt thành với sức khỏe như tỷ phú Bryan cuối cùng có thể mang lại lợi ích cho nhân loại? Nhưng có một điều chắc chắn là dòng tiền từ giới siêu giàu có thể dẫn đến những đột phá khoa học bao gồm các phương pháp chữa trị mới và các biện pháp sáng tạo để phát hiện bệnh sớm hơn. Tất cả những nỗ lực trong việc “khai phá địa hạt mới” đều có thể mang lại lợi ích nhiều hơn, dù chỉ là 1%.

Ngoài ra, một lý do khiến nghiên cứu chống lão hóa trở thành lĩnh vực đầy hứa hẹn để đầu tư là lĩnh vực này còn tương đối "trống vắng". Gần 1/5 GDP của Mỹ, tương đương 4,3 nghìn tỷ USD được chi cho chăm sóc sức khỏe và phần lớn trong số đó là để điều trị cho người già, theo Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid. Nếu có thể trì hoãn quá trình lão hóa bằng một loại thuốc, thì điều này có thể cắt giảm một phần trong khoản chi phí rất lớn này.

Những điều đó cho thấy sự hấp dẫn của thị trường công nghệ chống lão hóa, dù rằng con đường vẫn còn rất dài phía trước.

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/diem-den-moi-cua-gioi-dau-tu-247596.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Điểm đến mới của giới đầu tư
    POWERED BY ONECMS & INTECH