Điểm tên 20 "nữ tướng" quyền lực nhất châu Á năm 2022

08-11-2022 17:55|Quang Bách

Theo tạp chí Forbes, trong Top 20 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2022 có 7 người đến từ khu vực Đông Nam Á.

Trong số 20 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2022 của tạp chí Forbes, có 7 người đến từ khu vực Đông Nam Á.

Phần lớn quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chuyển sang cuộc sống hậu COVID-19 trong năm 2022 - nơi các chính phủ, người dân và doanh nghiệp đang học cách sống chung với đại dịch.

Với sự chuyển đổi này, một câu hỏi mới đã được đặt ra: Làm thế nào để phục hồi các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau sau gần ba năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.

20 phụ nữ trong danh sách Asia’s Power Businesswomen (Những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á) năm 2022 đã đưa ra các chiến lược khác nhau để giúp doanh nghiệp của họ phát triển vượt bậc, bất chấp nền kinh tế châu Á nói riêng và thế giới nói chung vẫn đối mặt với tình trạng bất ổn sau đại dịch.

Một số hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như vận tải biển, bất động sản và xây dựng, trong khi những công ty khác tiếp tục đổi mới trong các lĩnh vực như công nghệ, dược phẩm và hàng hóa. Một số doanh nhân nổi bật như:

Ghazal Alagh

Người đồng sáng lập và Giám đốc đổi mới, Honasa Consumer

Tuổi: 34

Quốc tịch: Ấn Độ

Công ty của Alagh đã trở thành một kỳ lân (những startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) vào đầu tháng 1 khi gọi vốn thành công 52 triệu USD trong một vòng gọi vốn do công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital India dẫn đầu, định giá 1,2 tỷ USD. Bà đồng sáng lập công ty có trụ sở tại Gurgaon với chồng mình, Varun, người đang là Giám đốc điều hành, vào năm 2016.

Doanh thu của Honasa Consumer tăng gần gấp đôi trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3, đạt gần 10 tỷ rupee (121 triệu USD), từ bán hàng trực tuyến và bán trực tiếp tại cửa hàng. Honasa đạt lợi nhuận 250 triệu rupee vào năm tài chính 2021 và dự kiến ​​cũng sẽ có lãi trong năm nay.

Akiko Amano

Giám đốc, Souke Hanabi Kagiya

Tuổi: 52

Quốc tịch: Nhật Bản

Amano là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu công ty pháo hoa Souke Hanabi Kagiya của gia đình mình. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên điều hành một hãng sản xuất pháo hoa ở Nhật Bản.

Souke Hanabi Kagiya được xếp hạng trong số các công ty lâu đời nhất của Nhật Bản về một trong những ngành nghề truyền thống nhất của đất nước. Công ty có nguồn gốc từ năm 1659 và đã tham gia vào nhiều màn trình diễn pháo hoa hàng năm trên sông Sumida của Tokyo, một trong những sự kiện trình diễn pháo hoa quan trọng nhất về văn hóa của Nhật Bản, kể từ năm 1733.

Amano là thế hệ thứ 15 trong gia đình, trở thành giám đốc khi nối nghiệp cha mình vào năm 2000. Amano hy vọng con gái của bà, hiện đang học đại học, sẽ đảm nhận vị trí người đứng đầu thế hệ thứ 16 của doanh nghiệp.

Kristy Carr

Người sáng lập và Giám đốc điều hành, Bubs Australia

Tuổi: 49

Quốc tịch: Australia

Carr thành lập hãng sản xuất sữa bột trẻ em Bubs Australia vào năm 2006 sau khi vật lộn trong những tháng đầu làm mẹ và chứng dị ứng thức ăn của con gái. Cựu giám đốc tiếp thị của Cathay Pacific tại Hong Kong đã phát triển một công thức từ sữa dê.

Với những đóng góp đầu tiên từ thị trường Mỹ, doanh thu của Bubs được dự báo sẽ tăng hơn 80% lên 162 AUD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2023 và đạt 217 AUD vào năm sau, theo báo cáo từ công ty môi giới PAC Partners của Australia.

Choi Soo-yeon

CEO, Naver

Tuổi: 41

Quốc tịch: Hàn Quốc

Vào tháng 3, Choi đã được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất tại công ty internet lớn nhất Hàn Quốc (về vốn hóa thị trường) và là tập đoàn lớn thứ 5 của đất nước sau các tập đoàn Samsung, SK, Hyundai và LG. Cô ấy đã thay thế Han Seong-sook, 55 tuổi, nữ lãnh đạo đầu tiên của Naver.

Choi, người trước đây đã lãnh đạo bộ phận hỗ trợ kinh doanh toàn cầu của Naver, được giao nhiệm vụ dẫn đầu việc mở rộng ra ngoài châu Á, nơi Naver vận hành công cụ tìm kiếm thống trị của Hàn Quốc và Line, một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất châu Á.

Trong quyết định quan trọng đầu tiên của Choi với tư cách là CEO, vào tháng 10, Naver tuyên bố mua lại nền tảng bán quần áo đã qua sử dụng Poshmark có trụ sở tại California trong một thỏa thuận trị giá khoảng 1,2 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất của Naver cho đến nay, kết hợp dịch vụ mua sắm với các công nghệ thương mại điện tử của Naver.

Julie Coates

CEO, CSR

Tuổi: 59

Quốc tịch: Australia

Coates nắm quyền lãnh đạo công ty sản xuất sản phẩm xây dựng CSR vào tháng 9/2019, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm xử lý các vấn đề logistics và chuyển đổi kinh doanh tại tập đoàn siêu thị khổng lồ của Australia là Woolworths Group và quản lý nhà sản xuất thực phẩm Goodman Fielder, bà đã chèo lái doanh nghiệp có trụ sở tại Sydney vượt qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong hai năm qua.

Robyn Denholm

Chủ tịch, Tesla

Tuổi: 59

Quốc tịch: Australia

Denholm, người có công việc đầu tiên được cho là bơm xăng tại trạm dịch vụ của mẹ bà ở Sydney, đã góp phần thay đổi vận mệnh của Tesla kể từ khi trở thành chủ tịch hội đồng quản trị vào năm 2018.

Bà từng là giám đốc độc lập của Tesla kể từ năm 2014 và thay thế người sáng lập Elon Musk làm chủ tịch 4 năm trước. Theo bà, Tesla, với thị phần toàn cầu gần 14%, đã có năm thứ hai thành công vào năm 2021, với lãi ròng tăng 665% lên 5,5 tỷ đô la, doanh thu tăng 71% lên 53,8 tỷ USD.

Febriany Eddy

Tổng giám đốc và CEO, Vale Indonesia

Tuổi: 45

Quốc tịch: Indonesia

Eddy là một trong số ít phụ nữ trên toàn thế giới điều hành một hoạt động khai thác lớn. Năm ngoái, bà được bổ nhiệm làm tổng giám đốc kiêm giám đốc điều hành của công ty khai thác niken Vale Indonesia, công ty thuộc sở hữu phần lớn của nhà sản xuất lớn nhất thế giới, Vale có trụ sở tại Brazil.

Con đường trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành việc kinh doanh mỏ tại Indonesia của bà bắt nguồn từ việc học kế toán và kinh doanh chứ không phải địa chất. Eddy có bằng cử nhân của Đại học Indonesia và bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh từ một chương trình liên kết của Trường Quản lý UCLA Anderson và Đại học Quốc gia Singapore.

Herjati

Chủ tịch công ty, Sillo Maritime Perdana

Tuổi: 56

Quốc tịch: Indonesia

Trong 5 năm kể từ khi nắm quyền kiểm soát công ty vận tải biển có trụ sở tại Jakarta, Herjati đã tăng hơn gấp đôi quy mô doanh thu hàng đầu của Sillo Maritime, với doanh thu đạt 101 triệu USD vào cuối năm 2021. Herjati, giống như nhiều người Indonesia khác, có bằng cử nhân kế toán tại Đại học Trisakti ở Jakarta.

Doris Hsu

Chủ tịch kiêm CEO, GlobalWafers

Tuổi: 61

Quốc tịch: Đài Loan

Bà Hsu lãnh đạo GlobalWafers, một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về các tấm silicon dùng trong sản xuất chip. Vào tháng 6, công ty tuyên bố sẽ đầu tư lên tới 5 tỷ USD vào một nhà máy wafer mới ở Sherman, Texas, sẽ tạo ra 1.500 việc làm.

Bà Hsu đã nhận được bằng thạc sĩ về khoa học máy tính của Đại học Illinois tại Champaign-Urbana. GlobalWafers có nhà máy ở Mỹ, Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đan Mạch và Italy.

Kwee Wei Lin

Giám đốc mảng khách sạn, Tập đoàn Pontiac Land

Tuổi: 46

Quốc tịch: Singapore

Khi dịch COVID-19 công phá ngành du lịch và nghỉ dưỡng, Kwee mới nắm quyền chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Singapore. 160 thành viên của hiệp hội đại diện cho khoảng 80% số phòng khách sạn của Singapore đã phục vụ hàng triệu du khách mỗi năm trước khi có đại dịch.

Khi lượng khách mới đến gần như bằng không chỉ sau một đêm, ưu tiên hàng đầu của Kwee là xoay trục tiếp thị và dịch vụ để phục vụ cho thị trường trong nước và các cơ sở lưu trú. “Thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là bảo vệ công việc”, Kwee chia sẻ.

Là người đứng đầu bộ phận kinh doanh khách sạn của các khách sạn thuộc sở hữu Pontiac Land từ năm 2017, Kwee giám sát 6 khách sạn với 3.000 nhân viên. Trong thời kỳ đỉnh dịch, Capella Singapore trên Đảo Sentosa đã cung cấp cho du khách các bữa ăn cũng như dịch vụ trợ giúp đặc biệt và mua sắm được cá nhân hóa.

Những nữ doanh nhân có mặt trong danh sách năm nay của tạp chí Forbes được chọn vì những thành tích mà họ đạt được trong vai trò hiện tại là điều hành một doanh nghiệp với doanh thu khá lớn và cũng là những người đã thể hiện khả năng lãnh đạo trong suốt sự nghiệp của bản thân.

Ngoài những "nữ tướng" trên, phải kể đến những nữ doanh nhân nổi tiếng: Soma Mondal, Mutiara, Anna Nakajima & Mizuki Nakajima, Park Jeong - rim...

Mời quý độc giả xem chi tiết trong phần 2: Điểm tên 20 "nữ tướng" quyền lực nhất châu Á năm 2022 (Phần 2)

Các tỷ phú Việt Nam kiếm tiền thế nào trong năm 2024?

Một tỷ phú USD của Việt Nam hao hụt tài sản 2 năm liên tiếp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/diem-ten-20-nu-tuong-quyen-luc-nhat-chau-a-nam-2022-157264.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Điểm tên 20 "nữ tướng" quyền lực nhất châu Á năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH