Căn biệt thự cổ tọa lạc tại số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TP. HCM), ngay tại vị trí giáp ba mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu.
Kết thúc phiên tòa sáng 15/3, Hội đồng xét xử thông báo tòa tạm nghỉ và sẽ tiếp tục vào ngày 19/3 (thứ 3) với phần luận tội của đại diện Viện Kiểm sát.
Sáng cùng ngày, tòa đã làm rõ phần dân sự trong vụ án, trong đó bị cáo Trương Mỹ Lan  đề nghị giải quyết nhiều bất động sản của mình để khắc phục hậu quả vụ án như bán khách sạn 5 sao Daewoo Hà Nội, tòa nhà Capital Place số 29 Liễu Giai... Song, riêng căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TP. HCM), bị cáo Lan đề nghị HĐXX không kê biên. "Xin HĐXX đừng kê biên nhà đó vì không mua bán được mà phải bảo tồn. Đó là di tích của Việt Nam", bị cáo Lan đề nghị.
Căn biệt thự cổ tọa lạc ngay tại vị trí giáp ba mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu. Vào năm 2013, khi thị trường bất động sản diễn ra sôi động, căn biệt thự này được rao bán với giá 47 triệu USD.
Căn biệt thự cổ bà Trương Mỹ Lan Lan đề nghị HĐXX không kê biên |
Đến năm 2015, bà Trương Mỹ Lan thông qua Công ty cổ phần Minerva mua lại căn biệt thự trên với giá trị 35 triệu USD (khoảng hơn 700 tỷ đồng theo tỷ giá giai đoạn đó). Công ty Cổ phần Minerva có 3 cổ đông sáng lập là Trương Huệ Vân (sinh năm 1988) có 10% cổ phần tương đương 20 tỷ đồng vốn điều lệ trong công ty Minerva; Trương Lập Hưng có 10% cổ phần tương đương 20 tỷ đồng và người nắm cổ phần nhiều nhất là Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn, con gái Trương Mỹ Lan) với 80% cổ phần tương đương 160 tỷ đồng.
Căn biệt thự có 3 mặt tiền là đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu |
Căn biệt thự cổ này trước đây có tên là biệt thự Phương Nam do hai cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934) là chủ sở hữu. Khi thị trường bất động sản sôi động, căn biệt thự này được rao bán với giá 47 triệu USD.
Tòa nhà có 3 lối vào: Hai cổng chính trên đường Võ Văn Tần và một cổng phụ trên đường Bà Huyện Thanh Quan.
Không gian sử dụng của căn biệt thự này bao gồm 2 tầng lầu với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 2.500m2, được thiết kế theo hướng Bắc - Nam, theo trình tự của từng khối công trình. Phần chính của ngôi nhà rộng 990m2, bao gồm 16 phòng.
Theo những người dân sống đã lâu ở Sài Gòn, thì trước đây, ngôi biệt thự này được coi như là một trong những ngôi nhà đẹp nhất thành phố và được sở hữu bởi một đại địa chủ. Kiến trúc của biệt thự Phương Nam được đánh giá là không thua kém gì so với Dinh thống đốc Nam Kỳ (nay là Bảo tàng Thành phố) hay trụ sở UBND TP. HCM.
Nguyên vật liệu để xây dựng căn biệt thự này được vận chuyển từ Pháp sang theo đường biển |
Nguyên vật liệu để xây dựng căn biệt thự này được vận chuyển từ Pháp sang theo đường biển |
Theo những tài liệu còn ghi chép lại, nguyên vật liệu để xây dựng căn biệt thự này được vận chuyển từ Pháp sang theo đường biển. Các điểm nhấn của biệt thự phải kể đến cổng vòm, bao lơn, trụ, cửa sổ, cửa chính đều được chế tác bằng sắt Tây nhập nguyên dạng từ Pháp.
Lối vào cửa chính có hai lớp cửa, bên trong cửa gỗ và bên ngoài cửa cuốn sắt được đẩy lên. Phần mái được lợp bằng ngói đỏ. Tại các mấu nối của mái nhà có thiết kế thêm cột thu sét. Để hoàn thành căn biệt thự này, hàng chục thợ tay nghề cao đã phải xây dựng trong khoảng thời gian gần một năm.
Năm 2019, ngay sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Trương Mỹ Lan đã cho trùng tu lại và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, khi gần hoàn thành thì dự án phải dừng thi công do bà Lan vướng vào vòng lao lý.
Hiện tại, bên trong công trình, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, không có công nhân, chỉ có bảo vệ trông coi.
Trước đó, tại một hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa ở TP. HCM, kiến trúc sư người Pháp Nicolas Viste (trưởng nhóm trùng tu căn biệt thự) cho rằng, căn biệt thự này được xem là báu vật quốc gia nhờ vào các thiết kế mô phỏng một cách đặc biệt về văn hóa Việt Nam.