Đồng Yên mất giá đã ít nhiều tác động tới các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật vẫn tăng trưởng vững vàng.
Đồng Yên Nhật đang ngày càng mất giá. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ giá đồng Yên liên tục sụt giảm khi so sánh với đồng USD, thậm chí có lúc mất tới hơn 30% giá trị.
Thống kê của sàn giao dịch ngoại hối Intercontinental Exchange (ICE) cho thấy, vào ngày 1/1/2021, 1 USD đổi được được 103 Yên. Thế nhưng đến nay, 1 USD có lúc đổi được tới 147 Yên Nhật.
Đây là mức tỷ giá thấp nhất của đồng Yên được ghi nhận trong khoảng 1 năm trở lại đây. Giá trị đồng Yên hiện tương đương với khoảng thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trước biến động mạnh của tỷ giá đồng Yên, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng ít nhiều chịu tác động.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện FPT cho biết, doanh thu từ thị trường Nhật hiện chiếm khoảng 40% tổng doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của tập đoàn này. Việc đồng Yên giảm giá so với đồng USD có ảnh hưởng đến doanh thu của công ty tại thị trường Nhật Bản nhưng không đáng kể.
Lấy dẫn chứng, FPT cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2023, mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài của FPT tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức doanh thu 13.243 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 30,4%. Dẫn đầu cho kết quả này là sức tăng trưởng đến từ thị trường Nhật Bản (tăng 40%) và Châu Á - Thái Bình Dương (tăng 37,4%).
Việc làm ăn của FPT tại thị trường Nhật Bản chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu theo đồng Yên đạt 55%. Theo đại diện FPT, nguyên nhân do nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trong năm nay, FPT Software đã ký thỏa thuận hợp tác, phụ trách toàn bộ việc phát triển phần mềm cho nhiều loại thiết bị của Nippon Seiki - Tập đoàn sản xuất thiết bị đo tốc độ lớn nhất Nhật Bản với lịch sử 70 năm hoạt động.
Theo thỏa thuận, FPT Software chịu trách nhiệm phát triển phần mềm toàn công đoạn (full life-cycle) trong khi Nippon Seiki tập trung nguồn lực phát triển phần cứng cung ứng cho toàn cầu. FPT Software sẽ bắt đầu bằng việc xây dựng nền tảng và phát triển ứng dụng cho sản phẩm cụm đồng hồ (meter), ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất như CGI (công cụ tạo giao diện người dùng trên màn hình ô tô) hay giả lập MBD/Matlab.
Mới đây, tổ chức Japan Patent Office (JPO) cũng đã cấp bằng phát minh sáng chế AI cho công nghệ nhận diện và xử lý dữ liệu hình ảnh của FPT Software. Phát minh này đưa một kiến trúc mạng nơ-ron mới để bóc tách đặc điểm từ hình ảnh mà vẫn giữ được sự gắn kết về mặt thông tin giữa các vùng nhỏ trong bức ảnh.
Chia sẻ về tác động của tỷ giá đồng Yên tới tình hình sản xuất kinh doanh, ông Tạ Sơn Tùng, Chủ tịch công ty cổ phần Rikkeisoft cho hay, Nhật là một trong những thị trường lớn của doanh nghiệp này. Khi đồng Yên mất giá, doanh thu và lợi nhuận từ thị trường này cũng giảm.
Tuy vậy, cũng giống như FPT, ông Tùng cho rằng, việc mất giá đồng Yên không hẳn có ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động kinh doanh của Rikkeisoft. Nguyên nhân bởi các dự án, đầu việc của Rikkeisoft tại thị trường Nhật vẫn nhiều và đều.
Nói về giải pháp ứng phó, Rikkeisoft đã mở rộng thêm các thị trường mới như tại Mỹ, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Nhật Bản.
Việc phát triển thêm các thị trường nước ngoài khác cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn trước tình hình biến động của tỷ giá đồng Yên.
FPT Japan cán mốc doanh thu nửa tỷ USD, lên kế hoạch lọt top công ty lớn ở Nhật vào năm 2027