Doanh nghiệp thép 1.500 nhân sự rót nghìn tỷ làm dự án đặc biệt, cùng Hòa Phát tham gia chuỗi cung ứng ngành ô tô
Lãnh đạo công ty xác định mục tiêu chiến lược là trở thành nhà cung cấp thép cho ngành công nghiệp sản xuất linh kiện – phụ kiện hàng gia dụng và ô tô, đồng thời tạo chỗ đứng vững trong chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn.
![]() |
Nhà đầu tư tham gia ĐHCĐ thường niên của Nam Kim sáng ngày 25/4/2025 |
CTCP Thép Nam Kim (mã NKG ) - doanh nghiệp hơn 1.500 nhân sự - vừa tổ chức ĐHCĐ thường niên 2025 với tâm điểm là chiến lược xoay quanh dự án nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ – công trình được kỳ vọng trở thành bước ngoặt đưa doanh nghiệp tiến sâu vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như ô tô và hàng gia dụng.
Năm 2025, Nam Kim đặt mục tiêu tiêu thụ 1,05 triệu tấn thép – tăng nhẹ so với con số 1,02 triệu tấn của năm trước. Doanh thu dự kiến đạt 23.000 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế ước đạt 440 tỷ đồng – giảm hơn 21% so với 2024. Ban lãnh đạo cho biết đây là kế hoạch mang tính thận trọng trong bối cảnh thị trường toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan, đặc biệt từ Mỹ.
Nhà máy Phú Mỹ – tham vọng công nghiệp hóa sản phẩm
Theo ông Hồ Minh Quang – Chủ tịch HĐQT Nam Kim, dự án nhà máy Phú Mỹ (được khởi công tháng 4/2024) dự kiến đi vào hoạt động từ đầu quý I/2026. Với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng và công suất thiết kế 800.000 tấn/năm, nhà máy này sẽ giúp nâng tổng công suất của Nam Kim lên 2 triệu tấn/năm – tăng 67% so với hiện tại.
"Nam Kim chủ trương tiếp tục triển khai dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ để mở rộng thị trường và nhanh chóng thích ứng với biến động thị trường", ông Quang nhấn mạnh.
Khác với các nhà máy hiện hữu, Phú Mỹ được thiết kế với mục tiêu sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao phục vụ các lĩnh vực đặc thù như ô tô, đồ gia dụng và công nghiệp nặng – những phân khúc đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nhưng đi kèm với biên lợi nhuận cao. Nếu điều này được thực thi, Nam Kim sẽ là doanh nghiệp thép tiếp theo tham gia vào sân chơi đồ gia dụng và chuỗi cung ứng ngành ô tô (sau Tập đoàn Hòa Phát).
![]() |
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán của NKG năm 2024 |
Theo chia sẻ của Chủ tịch Nam Kim, nhà máy Phú Mỹ sử dụng công nghệ hoàn toàn khác biệt so với hệ thống hiện tại, nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù từ các doanh nghiệp FDI như Samsung, LG hay các tập đoàn công nghiệp phụ trợ ngành ô tô.
“Chúng tôi có hiểu biết nhất định về chuỗi cung ứng FDI và các tiêu chuẩn trong phân khúc này. Dù có những yêu cầu riêng song công ty cho rằng điều này không vượt quá năng lực thiết bị và công nghệ của dự án Phú Mỹ”, ông Quang cho biết.
Mục tiêu chiến lược của Nam Kim là trở thành nhà cung cấp thép cho ngành công nghiệp sản xuất linh kiện – phụ kiện hàng gia dụng và ô tô, đồng thời tạo chỗ đứng vững trong chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn.
Dù dự án dự kiến vận hành từ đầu năm 2026, ban lãnh đạo cho biết nhà máy cần thời gian chạy thử và kiểm tra mẫu sản phẩm kỹ thuật cao. Do đó, phải đến quý IV/2026, nhà máy mới đạt khoảng 50–60% công suất và cần thêm thời gian để tối ưu.
“Chúng tôi hy vọng qua năm 2027, nhà máy sẽ chạy hết công suất”, Chủ tịch HĐQT chia sẻ.
Về định hướng thị trường, dù thiết kế nhà máy hướng đến cả nội địa và xuất khẩu, trước ảnh hưởng từ chính sách thuế quan, Nam Kim sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm mới cho thị trường trong nước – đặc biệt là các dòng thép mà Việt Nam chưa tự sản xuất được.
>> Hàng nghìn cổ đông rời Thép Nam Kim (NKG): Điều gì đang diễn ra?
Vụ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc do Hòa Phát và Formosa khởi xướng vào chặng cuối
Thép Nam Kim (NKG) muốn xây nhà máy ống thép quy mô 150.000 tấn/năm