Doanh thu của Dệt may Thành Công (TCM) ước đạt 43,3 triệu USD trong quý III/2024
Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, Dệt may Thành Công (TCM) có thể ghi nhận thêm hai khoản thu nhập bất thường trong năm nay.
Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Thương Mại Thành Công (HoSE: TCM ) cho biết, dự kiến trong quý III/2024, doanh thu đạt hơn 43,28 triệu USD (tương đương khoảng 1.064 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 3,2 triệu USD (tương đương gần 80 tỷ đồng). Mức tăng trưởng tương ứng của doanh thu và lợi nhuận là 20% và 49% so với quý III/2023.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh thu TCM đạt hơn 117,68 triệu USD, và lợi nhuận sau thuế ước đạt xấp xỉ 9 triệu USD. Về tình hình đơn hàng, hiện Dệt may Thành Công đã và đang nhận khoảng 92% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2024 và khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng năm 2024.
Với mục tiêu doanh thu đề ra cho năm 2024 là 3.707 tỷ đồng (157,7 triệu USD) và lợi nhuận sau thuế hơn 161 tỷ đồng (6,68 triệu USD), theo dự báo tình hình xuất khẩu dệt may  Việt Nam khả quan hơn vào các tháng cuối năm 2024 do thời điểm của mùa lễ hội và cuối năm, TCM dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu đề ra cho năm 2024.
Liên quan đến diễn biến tỷ giá USD/VND, ông Tùng cho biết, TCM sẽ cân nhắc lãi suất USD, VND và biến động tỷ giá để lựa chọn loại tiền vay phù hợp. Đơn cử, những năm trước tỷ giá USD/VND ổn định, Công ty chọn vay USD để nhập nguyên liệu (mua bông), nhưng trong năm vừa qua, lãi suất USD tăng, lãi suất VND giảm xuống, Công ty chọn vay bằng VND. Nhìn chung, biến động tỷ giá có lợi hay hại tùy thuộc vào doanh nghiệp vay gì, riêng TCM linh hoạt nên tỷ giá không phải là vấn đề lớn đối với Công ty.
Theo ABS Research, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan do nhu cầu về hàng hóa và tiêu dùng tăng cao vào cuối năm, đặc biệt trong các dịp lễ tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của TCM gồm Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Thị trường xuất khẩu của TCM tháng 8/2024 theo châu lục |
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 28,3 tỷ USD (+6,19% so với cùng kỳ năm trước). Theo đó, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 8/2024 ước đạt 1,987 tỷ USD (+15,8% so với tháng trước và +29,3% so với cùng kỳ năm trước). Các con số trên là minh chứng tích cực về sự hồi phục trong nửa cuối năm 2024.
Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, TCM  có thể ghi nhận thêm khoản thu nhập bất thường từ việc bán nhà máy Trảng Bàng và chuyển nhượng gần 7ha đất tại KCN Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ra, việc nhận chuyển nhượng dự án đầu tư của Công ty TNHH Dệt may SY Vina với giá trị khoảng 468 tỷ đồng (chưa gồm thuế VAT) là giải pháp tối ưu giúp TCM có giấy phép nhuộm và mở rộng phân khúc sản phẩm để thực hiện các đơn hàng giá trị cao. Nhà máy dệt thoi tại SY Vina có công suất trên 8 triệu mét vải/năm.
>> ‘Ông lớn’ ngành may mặc lấn sân sang mảng bất động sản với dự án quy mô 70 triệu USD