Câu chuyện đầu tư

Đối thủ của Uber tại châu Âu rục rịch gia nhập, thế 'kiềng 3 chân' tại thị trường gọi xe Việt Nam sắp bị phá vỡ?

Nhật Hà 14/01/2025 07:07

Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng vượt bậc và tiềm năng phát triển lớn. Sự xuất hiện của Bolt có thể làm thay đổi cuộc chơi, buộc các 'ông lớn' phải liên tục đổi mới để không bị mất thị phần.

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt lớn trong thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, cuộc cạnh tranh vốn đã khốc liệt nay càng trở nên căng thẳng hơn khi chứng kiến sự rút lui của hai "ông lớn" từng thống lĩnh một phần đáng kể thị trường.

Đối thủ của Uber tại châu Âu 'rục rịch' gia nhập, thế 'kiềng 3 chân' tại thị trường gọi xe Việt Nam sắp bị phá vỡ?
Gojek rời khỏi Việt Nam sau 6 năm hoạt động

Sau 6 năm hoạt động, Gojek đã chính thức rời khỏi Việt Nam, khép lại hành trình nhiều thách thức. Từ một thương hiệu chiếm lĩnh 30% thị phần, Gojek chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn nắm giữ 7% thị phần trong 2 năm gần đây. Con số lỗ lũy kế lên tới 5.700 tỷ đồng vào cuối năm 2023 là minh chứng rõ ràng cho những khó khăn của hãng trong việc duy trì sức cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Không lâu trước đó, Baemin, ứng dụng giao đồ ăn nổi tiếng từ Hàn Quốc, cũng buộc phải rút lui vào cuối năm 2023. Dù từng được kỳ vọng tạo nên sự bứt phá, Baemin đã không thể vượt qua áp lực cạnh tranh, để lại khoản lỗ sau thuế lên đến 4.000 tỷ đồng cho công ty mẹ Woowa Brothers sau 4 năm nỗ lực.

Sự rút lui của hai "ông lớn" này đã tái định hình sân chơi, để lại thế “chân kiềng” của 3 thương hiệu lớn Grab, Xanh SM và Be. Thay vì tiếp tục cuộc chiến “đốt tiền” trên giá cả, các hãng giờ đây chuyển hướng sang những chiến lược dài hơi hơn, từ việc thúc đẩy xu hướng xanh hóa đến tối ưu hóa tốc độ giao hàng và cung cấp các dịch vụ đa dạng, tiện ích.

Ngoài ra, bức tranh toàn cảnh kinh tế số Việt Nam trong năm 2024 càng thêm hấp dẫn khi Google, Temasek và Bain & Company ước tính tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt 36 tỷ USD, với riêng lĩnh vực vận tải và thực phẩm dự kiến đạt 4 tỷ USD, tăng trưởng 12% so với năm trước. Các yếu tố này không chỉ khẳng định vai trò thiết yếu của thị trường gọi xe trong đời sống hiện đại mà còn thu hút ngày càng nhiều “tay chơi” quốc tế, đặc biệt trong phân khúc xe điện (EV).

Bolt - "Ngựa ô" chuẩn bị gia nhập, khai phá "mỏ vàng" 4 tỷ USD

Được thành lập năm 2013 tại Estonia bởi Markus Villig - khi ấy chỉ mới 19 tuổi - Bolt đã nhanh chóng trở thành một trong những câu chuyện thành công đầy cảm hứng trong ngành công nghệ gọi xe. Khác biệt với những "gã khổng lồ" như Uber, Bolt chọn cách chinh phục các thị trường nhỏ hơn tại châu Âu và châu Phi, nơi có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ dân số trẻ và kinh tế đang phát triển, song thường bị các công ty lớn bỏ qua. Tính đến nay, Bolt đã mở rộng ra hơn 50 quốc gia, phục vụ hơn 100 triệu người dùng. Công ty cung cấp đa dạng các dịch vụ từ gọi xe, giao đồ ăn, cho thuê xe, đến các giải pháp giao hàng. Riêng trong lĩnh vực gọi xe, Bolt hiện có hơn 3 triệu tài xế hoạt động. Một trong những yếu tố giúp Bolt giữ vững vị trí trong cuộc đua là mức hoa hồng thấp. Trong khi Uber thu 20-25% hoa hồng từ tài xế, Bolt chỉ lấy 10-15%, tạo sự hấp dẫn lớn cho những người tham gia hệ thống.

Đối thủ của Uber tại châu Âu 'rục rịch' gia nhập, thế 'kiềng 3 chân' tại thị trường gọi xe Việt Nam sắp bị phá vỡ?
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, gần đây, Bolt đang rục rịch tuyển nhân sự làm việc tại TP. HCM. Cụ thể, trên trang Linkedin, Bolt tuyển dụng 2 vị trí là chuyên gia vận hành và chăm sóc khách hàng, nhằm sớm ra mắt ứng dụng gọi xe tại Việt Nam nhưng không tiết lộ thời điểm chính xác.

Trước đó, tại Đông Nam Á, Bolt từng gây chú ý khi gia nhập Thái Lan năm 2020 với chính sách miễn hoa hồng cho tài xế trong giai đoạn đầu, đồng thời cam kết giá cước thấp hơn đối thủ tới 20%. Tương tự, khi mở rộng sang Malaysia năm 2022, Bolt tiếp tục giữ vững chiến lược giá rẻ, nhắm tới việc nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó có việc tuyển dụng nhân sự tại TP.HCM, Bolt đang lên kế hoạch ra mắt tại Việt Nam.

"Miếng bánh" thị phần sẽ được chia lại?

Sự gia nhập của Bolt hứa hẹn khuấy động thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, vốn đang là cuộc chơi của những “ông lớn” với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến. Với kinh nghiệm quốc tế và chiến lược giá rẻ, Bolt nhiều khả năng sẽ tận dụng lợi thế của mình để chiếm lĩnh thị phần nhanh chóng. Đáp lại, Xanh SM, Grab và Be sẽ cần tăng tốc đổi mới và củng cố vị thế để bảo vệ khách hàng và thị phần trước sự cạnh tranh ngày một khốc liệt.

Đối thủ của Uber tại châu Âu 'rục rịch' gia nhập, thế 'kiềng 3 chân' tại thị trường gọi xe Việt Nam sắp bị phá vỡ?
Nguồn: Báo Dân trí

Xanh SM, với định hướng phát triển bền vững, đã đặt trọng tâm vào công nghệ xanh. Sở hữu đội xe điện quy mô lớn, hãng không chỉ giảm thiểu khí thải mà còn tối ưu hóa chi phí vận hành, mang đến lợi thế về giá cả. Song song đó, Xanh SM đầu tư mạnh mẽ vào mạng lưới trạm sạc nhanh cùng hệ thống bảo trì chuyên biệt, đảm bảo tốc độ phục vụ và chất lượng dịch vụ vượt trội. Việc định vị là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực vận tải xanh đã giúp Xanh SM nhận được sự ủng hộ từ nhóm người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến bảo vệ môi trường. CEO Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh rằng để giữ vững vị trí dẫn đầu, Xanh SM cần giải quyết 3 bài toán quan trọng: chất lượng, tốc độ, và công nghệ – đặc biệt với những giải pháp công nghệ thông minh được phát triển bởi đội ngũ người Việt.

Grab, với kinh nghiệm hơn một thập kỷ tại Việt Nam, tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong việc ứng dụng công nghệ. Hãng đã triển khai các giải pháp AI để tối ưu hóa lộ trình, giúp tiết kiệm thời gian và nhiên liệu cho tài xế, đồng thời tích hợp tính năng dự đoán nhu cầu đặt xe theo thời gian thực. Grab cũng không ngừng thử nghiệm các giải pháp đổi mới như giao hàng bằng drone và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, thuận tiện. CEO Alejandro Osorio khẳng định rằng Grab sẽ tập trung vào 3 mảng cốt lõi là phục vụ người dân, phát triển đô thị, và đổi mới sáng tạo, để giữ vững vai trò tiên phong trong ngành.

Trong khi đó, Be Group lại chọn lối đi riêng khi định vị mình ở phân khúc cao cấp. Các dịch vụ như beCar Plus và beBike Plus nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng thượng lưu, đồng thời định hướng xây dựng một hệ sinh thái vận tải đa phương tiện trong siêu ứng dụng của hãng. Theo Giám đốc Phát triển Kinh doanh Hoàng Công Huấn, Be Group đang nỗ lực tạo ra một hệ thống vận tải tích hợp, không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn khẳng định vị thế khác biệt của mình.

Trong thời gian tới, cuộc đua giữa các doanh nghiệp sẽ không chỉ xoay quanh việc mở rộng dịch vụ mà còn là bài toán nâng cao chất lượng, phát triển công nghệ tiên tiến và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững. Liệu Bolt có đủ sức tạo nên một cuộc tái phân chia thị phần? Hay các “ông lớn" hiện tại sẽ tiếp tục giữ vững ngai vàng?

>> Tài xế Xanh SM được tỷ phú Phạm Nhật Vượng hỗ trợ trả góp 90% giá trị xe, giảm 50% học phí lái xe tại VinDT

VinFast vừa ra mắt mẫu xe mới, CEO Xanh SM rục rịch 'chốt đơn'?

'Vũ khí đặc biệt' giúp hãng xe công nghệ 8 tỷ USD mới đặt chân đến Việt Nam thách thức Grab, Be và Xanh SM

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doi-thu-cua-uber-tai-chau-au-ruc-rich-gia-nhap-the-kieng-3-chan-tai-thi-truong-goi-xe-viet-nam-sap-bi-pha-vo-271101.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đối thủ của Uber tại châu Âu rục rịch gia nhập, thế 'kiềng 3 chân' tại thị trường gọi xe Việt Nam sắp bị phá vỡ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH