Đối thủ lớn nhất của VinFast VF3 báo lỗ kỷ lục, cổ phiếu lao dốc hơn 70%
Nhà phân phối xe Wuling HongGuang MiniEV, đối thủ của VinFast VF3 phải bán hàng dưới giá vốn trong điều kiện sức mua thấp và nợ vay nhiều. Công ty có quý kinh doanh "tệ" nhất lịch sử và cổ phiếu liên tục dò đáy.
CTCP Ô tô TMT (HoSE: TMT ) vừa trải qua quý II/2024 với kết quả kinh doanh "tệ" nhất trong lịch sử hoạt động. Doanh thu thuần đạt 805,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ lại đạt mức kỷ lục 100,2 tỷ đồng.
Kết quả này đến từ việc TMT kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến lợi nhuận gộp âm 47,6 tỷ đồng. Đồng thời, công ty còn phải gánh nhiều chi phí khác như lãi vay 23,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng 13,7 tỷ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp 19,1 tỷ đồng.
TMT cho biết, để giải phóng hàng tồn kho và đảm bảo thanh khoản trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, công ty đã phải giảm sâu giá bán. Động thái này cũng nhằm giảm bớt chi phí lãi vay. Đồng thời, TMT đang tái cơ cấu dòng sản phẩm, hướng đến các sản phẩm mới chất lượng hơn.
Nguồn: Tổng hợp |
Tại thời điểm ngày 30/6, quy mô tài sản của TMT đạt 1.501,9 tỷ đồng, được hình thành từ 338,5 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và phần còn lại là nợ phải trả. Trong đó, nợ vay là 570,9 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu.
Công ty phân bổ tài sản chủ yếu vào hàng tồn kho với 853,6 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng giảm giá 28,1 tỷ đồng. Các tài sản còn lại bao gồm các khoản phải thu, tài sản cố định và lợi thế thương mại. Đặc biệt, tiền mặt hiện còn rất thấp, chỉ 5,7 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng tài sản.
Đối thủ lớn nhất của VinFast VF3
TMT hiện đang tập trung phát triển thị trường xe ô tô điện. Trong năm 2023, công ty đã hợp tác với SAIC GM WULING AUTOMOBILE - một trong những công ty xe điện lớn nhất thế giới, với doanh số bán xe điện lớn nhất toàn cầu và tại Trung Quốc trong các năm 2021 và 2023.
TMT đã hoàn thiện dây chuyền máy móc lắp ráp xe điện tại tỉnh Hưng Yên và xuất xưởng chiếc xe đầu tiên, hiệu Wuling HongGuang MiniEV vào ngày 24/5/2023. Đây chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của VinFast VF3.
Wuling HongGuang MiniEV và VinFast VF3 so kè trong phân khúc xe ô tô điện giá rẻ |
Trước khi tiếp cận thị trường, nhà phân phối xe Wuling từng đặt mục tiêu bán hơn 5.000 xe điện Mini EV tại Việt Nam trong năm 2023, nhưng doanh số thực tế chỉ đạt gần 600 xe.
Trong năm 2024, mục tiêu của hãng đã giảm xuống còn hơn 1.000 chiếc, con số khá khiêm tốn so với khoảng 27.000 đơn hàng đặt trước của VinFast VF3 chỉ trong 3 ngày mở bán.
Để cạnh tranh tại thị trường Việt Nam, sau khi VinFast ra mắt mẫu xe điện VF3 giá dưới 250 triệu đồng, TMT ngay lập tức điều chỉnh giá Wuling Mini EV xuống dưới 200 triệu đồng/xe. Cụ thể, từ ngày 5/8, giá bán mới cho Wuling Mini EV các bản nâng cao là 197 triệu đồng (bản LV2, lắp pin 9,6 kWh, tầm hoạt động 120km) và 231 triệu đồng (bản LV2, lắp pin 13,9 kWh, tầm hoạt động 170km), giảm lần lượt 58 triệu và 48 triệu đồng so với trước.
Tuy nhiên, nhà phân phối này vẫn gặp khó khăn vì VF3 có ưu điểm hỗ trợ sạc nhanh và hệ thống trạm sạc rộng khắp cả nước, cùng với ưu đãi miễn phí sạc trong một năm. Bên cạnh đó, VF3 có công suất tối đa 43 mã lực, trong khi Wuling Mini EV chỉ có 27 mã lực.
Cổ phiếu TMT 'dò đáy'
Diễn biến cổ phiếu TMT giai đoạn 2021 - 2024 |
Cổ phiếu TMT từng ghi nhận mức tăng khoảng 250% từ vùng 7.500 đồng lên 26.000 đồng trong giai đoạn từ tháng 11/2022 đến tháng 6/2023, thời điểm công ty chuyển hướng sang sản xuất xe điện và xuất xưởng chiếc Wuling đầu tiên.
Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu này liên tục giảm và tính đến phiên giao dịch ngày 20/8, đã trở về mức giá 7.600 đồng/cp, giảm hơn 70% so với đỉnh cao. Vốn hóa công ty hiện chỉ còn 288 tỷ đồng, rất nhỏ so với vốn hóa 8,8 tỷ USD của VinFast cùng thời điểm