Đơn hàng xuất khẩu nhúc nhích, hoàn thuế, thủ tục đất đai vẫn đứng yên
Các doanh nghiệp dệt may, lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu bắt đầu nhận được đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên Huba cho rằng việc chậm hoàn thuế, thủ tục về đất đai chưa có gì thay đổi.
Tại Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV/2023 sáng 28/9, do UBND TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) cho biết, một số lĩnh vực như dệt may, hàng lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu bắt đầu nhận được đơn hàng.
Cùng với đó, lượng hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu giảm, đối tác nước bạn đã có nhu cầu nhập hàng trở lại.
Tuy nhiên, đại diện Huba cho hay, đó thường là các đơn hàng ngắn hạn chứ chưa phải đơn hàng dài hạn.
Ví dụ, thời điểm này những năm trước, các doanh nghiệp đã có đơn hàng tới quý II năm sau, nhưng các đơn hàng hiện nay chủ yếu là ngắn hạn, phục vụ cao điểm mua sắm cuối năm hay dịp Noel. Trong khi đó, mặt hàng mang tính chất tiêu dùng dài hạn như lĩnh vực gỗ, nội thất,... vẫn chưa có đơn hàng.
Hầu hết doanh nghiệp cho rằng, môi trường kinh doanh tại TP.HCM chậm cải thiện, chưa chuyển biến rõ nét so với những quý trước.
Doanh nghiệp phàn nàn việc chậm hoàn thuế, thủ tục về đất đai chưa có gì thay đổi.
Đối với nhu cầu tín dụng, thời gian qua, ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất xuống thấp hơn cả thời điểm trước đây nhưng vốn vẫn không hấp thụ được. Tiền đang thừa.
Phía Huba cùng ngân hàng tiếp xúc với các doanh nghiệp, hầu hết câu trả lời đều là chưa biết vay tiền để làm gì, mở rộng sản xuất như thế nào? Họ không có nhu cầu, không mạnh dạn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh - theo ông Hoà.
Đề cập về nguồn thu địa phương, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, ông Lê Duy Minh đánh giá, thời gian qua, khoản thu từ thu nhập cá nhân giảm, đặc biệt, thu từ chuyển nhượng trong lĩnh vực bất động sản giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thu nhập cá nhân từ hoạt động chứng khoán cũng giảm sâu. Doanh thu từ hoạt động mua bán trên thị trường chứng khoán chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng/ngày, bằng 1/3 so với năm 2022.
Tính chung 9 tháng năm 2023, thu ngân sách TP.HCM là 326.194 tỷ đồng, mới đạt 69,5% kế hoạch. Đến thời điểm này, thành phố là một trong các địa phương có số thu ngân sách thấp nhất so với bình quân trung cả nước.
Nói về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, vị Giám đốc Sở thông tin, từ đầu năm tới nay, thành phố đã miễn giảm, gia hạn thuế với số tiền khoảng 18.000 tỷ đồng. Dự kiến, 4 tháng cuối năm, sẽ có thêm 4.000 tỷ đồng tiền thuế được miễn, giảm, gia hạn. Từ đó, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tái hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về đầu tư công, đối với khoản chi mà Sở Tài chính đang quản lý, trong 9 tháng, một số đơn vị chi thấp hơn so với cùng kỳ, các đơn vị này chi dưới mức bình quân 50% của thành phố. Đơn cử, chi khoa học công nghệ đạt 48,42%; chi cho sự nghiệp y tế 34,62%; chi cho nông lâm thuỷ lợi mới 39,82%...
Do vậy, các đơn vị cần giải ngân đầu tư công nhanh các khoản chi, giúp ngành phát triển, góp phần cho tăng trưởng GRDP, hướng tới đạt chỉ tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% cả năm của thành phố.
“Uỷ ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, Thanh tra Bộ Tài chính đã làm việc với TP.HCM. Nhiệm vụ chi của một số đơn vị thấp, tốc độ giải ngân chậm, Sở Tài chính có quyền cắt khoản chi của các đơn vị chậm để dồn lực cho các hoạt động khác, như phục vụ đầu tư phát triển thành phố”, ông Minh lưu ý.
Theo báo cáo của UBND thành phố, GRDP quý III/2023 ước tăng 6,71%, 9 tháng ước tăng 4,57% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 3,2%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13% (37.224 doanh nghiệp).