Nơi đây đang mất dần độ cao trong những thập kỷ qua.
Theo tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia (Hà Lan, Đại học Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long), Đồng bằng sông Cửu Long  (ĐBSCL) đang mất dần độ cao trong những thập kỷ qua.
Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, lượng phù sa hạn chế do việc xây dựng đập ở thượng nguồn không bù lại được với tốc độ sụt lún, mức độ và tần suất lũ (mang theo trầm tích) giảm và tình trạng khai thác cát dọc theo các con sông. Các nguyên nhân này dẫn đến lún ròng ở ĐBSCL.
Tại đây, tốc độ sụt lún lên đến 5,7 cm/năm (năm 2019) cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối (35mm/năm). Điều này cho thấy tốc độ mực nước biển tương đối chủ yếu là do sụt lún đất. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.
Không những vậy, nếu tiếp tục phát triển không bền vững thì có thể 90% diện tích vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp Việt Nam sẽ bị nhấn chìm.
Hai tác nhân chính được xác định gây ra sụt lún ở ĐBSCL là quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm. Nước ngầm nhiễm mặn cũng là một vấn đề ngày càng gia tăng ở sông MeKong và là nguyên nhân chính làm giảm nguồn nước ngọt dưới bề mặt. Cứ mỗi một m3 nước ngọt được khai thác từ các tầng chứa nước thì có 13m3 nước ngọt dự trữ bị mất đi do xâm nhập mặn tự nhiên và bị hòa lẫn nước ngầm lợ.
Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu ĐBSCL, cho rằng cần giảm sử dụng nước ngầm bằng cách sử dụng nước sông. Tuy nhiên, để nước đủ sạch cho sinh hoạt thì phải cải cách nền nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giảm xả thải ra sông ngòi.
Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước ngọt của WWF Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết: “Các nhà khoa học đều nhất trí rằng quy mô và mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa đối với ĐBSCL đã trở nên hiển nhiên, nhưng việc này có thể được ngăn chặn nếu như có thể đảm bảo trong nước sông vẫn có phù sa”.
“Các quốc gia phải chọn một con đường phát triển tốt hơn cho sông MeKong và khu vực - một chiến lược dựa trên các chính sách tham vọng nhưng khả thi, thúc đẩy tiếp cận toàn hệ thống trong các ngành năng lượng, xây dựng và nông nghiệp sẽ tăng cường khả năng phục hồi của đồng bằng và mang lại lợi ích cho thiên nhiên, con người. Tiếp tục phát triển như hiện tại sẽ gây ra thảm họa cho vùng đồng bằng.” ông Goichot nói thêm.
ĐBSCL là đồng bằng lớn nhất Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích của ĐBSCL là 40.816,3km2, rộng gần gấp đôi đồng bằng sông Hồng (21.260,3km2). Đây là vựa lúa của cả nước, cung cấp phần trăm lớn sản lượng gạo cho quốc gia sản lượng gạo xuất khẩu.
ĐBSCL thuộc miền Nam, quá trình hình thành vùng châu thổ này diễn ra lâu dài và phức tạp. Nó bị chi phối bởi những biến động địa chất, những đổi thay khí hậu và đặc biệt là bởi những đợt nước biển dâng cao, hạ xuống (còn gọi là biển tiến, biển thoái) trong 6.000-7.000 năm trước.