Thế giới

Đồng USD lao dốc lịch sử: Hàng loạt NHTW chạy đua cắt lãi suất, doanh nghiệp xuất khẩu có thể 'bốc hơi' phần lớn lợi nhuận?

Lam Vy 20/04/2025 12:10

Đồng USD trượt giá mạnh đang trở thành bài toán hóc búa cho nền kinh tế thế giới.

Sự suy yếu bất ngờ của đồng USD đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu toàn cầu từ ô tô, rượu cognac đến vải tweed Scotland phải lao đao. Bởi lẽ, họ không chỉ đối mặt với thiệt hại từ thuế nhập khẩu do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt, mà còn chịu cú đòn kép từ tỷ giá bất lợi. Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới buộc phải tính đến việc hạ lãi suất mạnh tay hơn khi đồng nội tệ tăng giá quá nhanh.

Thời gian qua, đồng USD tiếp tục trượt dốc, lập mức đáy mới so với đồng euro, yên Nhật và franc Thụy Sĩ. Chỉ số ICE Dollar – đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ lớn – đã giảm tới 8% từ đầu năm, mức giảm tệ nhất trong lịch sử hơn 40 năm của chỉ số này.

Đồng USD lao dốc lịch sử: Hàng loạt NHTW chạy đua cắt lãi suất, doanh nghiệp xuất khẩu có thể 'bốc hơi' phần lớn lợi nhuận? - ảnh 1
Chỉ số ICE Dollar tính đến ngày 15/4

Là đồng tiền chủ chốt trong thương mại và tài chính toàn cầu, bất kỳ biến động nào của USD cũng gây ra hiệu ứng dây chuyền trên toàn thế giới.

“Các nhà xuất khẩu không còn được lợi từ việc đồng USD mạnh giúp xoa dịu phần nào tác động của thuế nhập khẩu lên người tiêu dùng Mỹ”, ông Derek Halpenny, Giám đốc nghiên cứu thị trường toàn cầu của ngân hàng Nhật MUFG tại London, nhận định.

Nỗi lo lợi nhuận sụt giảm

Đồng USD suy yếu đang bào mòn lợi nhuận của các tập đoàn nước ngoài hoạt động tại Mỹ, khi giá trị thu về sau quy đổi sang đồng bản tệ bị sụt giảm. Cùng lúc đó, hàng hóa do họ sản xuất trở nên đắt đỏ hơn trong mắt người tiêu dùng Mỹ, khiến sức cạnh tranh bị ảnh hưởng rõ rệt.

Toyota, hãng ô tô hàng đầu Nhật Bản, đang đối mặt với nguy cơ lợi nhuận sụt giảm khi đồng yên tăng giá từ mức 157 lên 143 yên/USD từ đầu năm. Trong nhiều năm qua, chính đồng yên yếu là nhân tố giúp Toyota và các nhà xuất khẩu Nhật hưởng lợi.

Tại châu Âu, các “ông lớn” trong ngành hàng xa xỉ như Prada, LVMH cùng các hãng rượu danh tiếng Campari và Pernod Ricard cũng đang lao đao trước biến động tỷ giá. Báo cáo từ UBS cho thấy đà tăng của đồng euro đang tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận. Cùng quan điểm, Deutsche Bank đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của chỉ số Stoxx Europe 600 từ 6% xuống còn 4%, đồng thời cảnh báo mức này có thể tiếp tục bị cắt giảm nếu đồng euro tiếp tục mạnh lên.

Đồng USD lao dốc lịch sử: Hàng loạt NHTW chạy đua cắt lãi suất, doanh nghiệp xuất khẩu có thể 'bốc hơi' phần lớn lợi nhuận? - ảnh 2
Đồng USD so với các đồng tiền khác

Tín hiệu thị trường và phản ứng chính sách

Thông thường, khi một quốc gia bị áp thuế nhập khẩu, đồng tiền nước đó sẽ suy yếu – giúp bù đắp phần nào chi phí tăng thêm. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra. Giới đầu tư đã mất niềm tin vào triển vọng kinh tế Mỹ dưới chính sách thương mại thất thường của Tổng thống Trump và ồ ạt rút vốn khỏi tài sản định giá bằng USD, làm đồng tiền này suy yếu sâu hơn.

Việc đồng USD giảm giá không chỉ khiến thế giới hoài nghi về sức khỏe kinh tế Mỹ, mà còn đặt dấu hỏi về vị thế "hầm trú ẩn an toàn" của đồng tiền này trong các giai đoạn biến động.

Chính quyền Trump đưa ra những tín hiệu trái chiều về chính sách tỷ giá, nhưng nhiều cố vấn kinh tế của ông cho rằng đồng USD yếu sẽ giúp hàng hóa Mỹ cạnh tranh hơn. Chính Trump cũng từng than phiền rằng đồng bạc xanh mạnh khiến ngành sản xuất Mỹ lép vế và góp phần gia tăng thâm hụt thương mại.

Tác động dây chuyền trên toàn cầu

Sự tăng giá của các đồng nội tệ có thể kéo tăng trưởng vốn đã èo uột tại châu Âu, Anh và Nhật rơi xuống thấp hơn nữa. Lượng du khách Mỹ đến các điểm đến như Tây Ban Nha hay Nhật Bản, từng được hưởng lợi từ USD mạnh, có thể sụt giảm cả về số lượng lẫn mức chi tiêu.

Shaan Raithatha, Kinh tế trưởng cấp cao tại Vanguard London, vừa hạ dự báo tăng trưởng khu vực đồng euro xuống 0,8% trong năm 2025, so với mức 1% trước đó. Ông cũng cắt giảm dự báo năm 2026 từ 1,6% xuống còn 1%, do tác động từ đồng nội tệ mạnh và thuế quan.

Nguy cơ giảm phát đang lờ mờ xuất hiện, đặc biệt tại các quốc gia như Thụy Sĩ, nơi đồng franc đã tăng hơn 10% so với USD từ đầu năm. Điều này khiến các mặt hàng xuất khẩu đặc trưng như đồng hồ, máy móc chính xác của Thụy Sĩ đắt đỏ hơn, trong khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ có thể phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp trước cuộc họp chính thức vào tháng Sáu.

Tại Nhật, Ngân hàng Trung ương đã dừng chu kỳ tăng lãi suất từ tháng 3 và có thể trì hoãn các đợt tăng tiếp theo nếu kịch bản “xấu” về chiến tranh thương mại xảy ra – như lời Thống đốc Kazuo Ueda cảnh báo.

Trong khi đó, Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ trượt giá gần mức thấp nhất nhiều năm so với USD. Phố Wall lo ngại Bắc Kinh có thể sẵn sàng để đồng tiền mất giá sâu hơn nhằm bù đắp tác động từ căng thẳng thương mại.

Tại Outer Hebrides – quần đảo hẻo lánh ở Scotland – các doanh nghiệp nhỏ chuyên xuất khẩu vải tweed, cá hồi và whisky Scotch sang Mỹ đang chật vật vì đồng USD yếu.

“Là một nhà sản xuất dệt may phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, việc đồng USD giảm giá chắc chắn khiến chúng tôi càng khó khăn hơn khi giao thương với Mỹ”, bà Margaret Macleod, CEO của Harris Tweed Hebrides chia sẻ. Sản phẩm của bà – như hầu hết hàng hóa Mỹ nhập khẩu – hiện cũng đang chịu mức thuế 10%.

Theo WSJ

>> Đồng USD lao dốc với tốc độ không tưởng, nhà đầu tư ôm tiền tháo chạy: Chuyện gì đang xảy ra?

NHTW Trung Quốc tung biện pháp bình ổn tỷ giá trước áp lực quá lớn từ đồng USD

23 nước nộp đơn xin gia nhập BRICS, Mỹ lên tiếng khẳng định vị thế độc tôn của đồng USD: Tham vọng trở thành khối lớn nhất thế giới của BRICS bị 'chặn đứng'?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/dong-usd-lao-doc-lich-su-hang-loat-nhtw-chay-dua-cat-lai-suat-doanh-nghiep-xuat-khau-co-the-boc-hoi-phan-lon-loi-nhuan-140836.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Đồng USD lao dốc lịch sử: Hàng loạt NHTW chạy đua cắt lãi suất, doanh nghiệp xuất khẩu có thể 'bốc hơi' phần lớn lợi nhuận?
    POWERED BY ONECMS & INTECH