Theo quy hoạch, dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 60km, tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa có những chia sẻ về công tác hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu dự án tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long - ông Đinh Công Minh cho biết, theo kế hoạch, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ được hoàn thành trong tháng 1/2023 và phê duyệt vào tháng 3/2023. Tuy nhiên, do còn có những vướng mắc, đến nay hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án vẫn chưa được hoàn thiện đầy đủ.
Cụ thể, trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 có tất cả 60 vị trí giao cắt với các tuyến đường của địa phương, bao gồm 22 vị trí giao cắt với các tuyến đường đã được quy hoạch và 38 vị trí giao cắt với các tuyến đường chưa được quy hoạch (đường dân sinh).
Trong 22 vị trí giao cắt với đường quy hoạch, có 17 vị trí đã được Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị tư vấn thống nhất với các cơ quan của địa phương. Với 5 vị trí còn lại vẫn chưa thống nhất được do còn có sự khác biệt về quy mô đầu tư cầu trên đường cao tốc và cầu vượt cao tốc.
Trong khi đó, với 38 vị trí giao cắt với các đường dân sinh, hiện nay cũng còn 7 vị trí chưa thống nhất phương án cụ thể.
Ngoài ra, các mỏ vật liệu cung cấp cho dự án, các vị trí đổ thải cũng chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Trong tháng 5/2023, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh đã thống nhất cơ bản về phương án đầu tư tại 5 vị trí giao cắt với các tuyến đường tỉnh. Đồng Nai thống nhất về quy mô theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Thăng Long và đơn vị tư vấn để không làm tăng tổng mức đầu tư dự án.
Đối với 7 vị trí giao cắt với các tuyến đường dân sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị các đơn vị liên quan xem xét, rà soát từng vị trí để có phương án phù hợp. Đối với các vị trí mà 2 bên là các khu đông dân cư, cần đầu tư hầm chui để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Tránh tình trạng đường cao tốc cắt ngang mà không có sự liên thông làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của địa phương.
Được biết, Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 60km, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021-2025 với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 8.300 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022.
Ngành may mặc, giày da Đồng Nai ‘khát’ lao động: Lương hấp dẫn, đãi ngộ vượt trội 
Khai thác 8 trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Bắc - Nam dịp Tết 2025