Dự án trung tâm dữ liệu khổng lồ chạy bằng năng lượng hạt nhân của Meta gặp rắc rối vì... một loài ong
Cuộc đua AI giữa các gã khổng lồ công nghệ phụ thuộc vào tương lai điện hạt nhân, Meta bất ngờ gặp phải rắc rối khi phát hiện một loài ong hiếm tại địa điểm xây dựng trung tâm dữ liệu.
Theo Financial Times, kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu AI  mới của Meta tại Mỹ đang gặp trở ngại bất ngờ khi phát hiện một loài ong quý hiếm tại địa điểm dự kiến xây dựng.
Tại cuộc họp toàn thể của Meta, CEO Mark Zuckerberg đã thừa nhận phát hiện này sẽ làm phức tạp thêm tiến trình dự án. Trung tâm dữ liệu này được kỳ vọng sẽ vận hành bằng năng lượng hạt nhân - một phần trong chiến lược phát triển AI của tập đoàn.
Tình huống này càng trở nên đáng chú ý khi các đối thủ cạnh tranh lớn trong ngành công nghệ như Amazon, Google và Microsoft đều đã ký kết thành công các hợp đồng với các nhà máy điện hạt nhân. Các thỏa thuận này nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cho việc vận hành các mô hình AI - với mức tiêu thụ điện cho một truy vấn AI cao gấp 10 lần so với tìm kiếm Google thông thường.
Nguồn tin cho biết Meta vẫn đang tích cực tìm kiếm các giải pháp năng lượng sạch thay thế, trong đó có năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, phía Meta từ chối đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này.
Những thách thức mà dự án đang phải đối mặt không chỉ dừng lại ở vấn đề môi trường, mà còn liên quan đến các quy định pháp lý phức tạp cần được giải quyết.
Trong bối cảnh cạnh tranh AI ngày càng gay gắt, năng lượng hạt nhân đang nổi lên như một giải pháp then chốt, cung cấp nguồn điện ổn định 24/7 cho các tập đoàn công nghệ. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng năng lượng này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng kéo dài và đặc biệt là thách thức về quản lý chất thải phóng xạ.
Làn sóng đầu tư vào năng lượng hạt nhân đã được khởi động khi Microsoft công bố kế hoạch khôi phục nhà máy điện Three Mile Island tại Pennsylvania vào tháng 9. Tiếp đó, Amazon đã chi 650 triệu USD để xây dựng trung tâm dữ liệu gần nhà máy điện Susquehanna Steam Electric.
Trong khi đó, Google vừa trở thành công ty công nghệ tiên phong trong lĩnh vực này khi đặt hàng 6-7 lò phản ứng hạt nhân  môđun nhỏ từ startup Kairos Power.
Tại cuộc họp toàn thể gần đây, CEO Mark Zuckerberg  tham vọng đưa Meta trở thành tập đoàn công nghệ đầu tiên vận hành AI hoàn toàn bằng năng lượng hạt nhân, với quy mô nhà máy điện lớn nhất trong ngành. Động thái này được xem là nỗ lực chứng minh hiệu quả đầu tư AI với các nhà đầu tư, trong bối cảnh chi phí vận hành máy chủ và trung tâm dữ liệu không ngừng tăng.
Theo nguồn tin thân cận, ông Zuckerberg bày tỏ sự quan ngại về tình trạng phát triển năng lượng hạt nhân chậm chạp tại Mỹ, trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng các lò phản ứng mới với tốc độ đáng kể. Được biết, Meta đã đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) trong hoạt động từ năm 2020.
Theo Financial Times
Thu thập trái phép dữ liệu nhạy cảm của gần 1 triệu người dùng, Meta lĩnh án phạt khủng 
Google, Meta, Amazon sẽ được giải cứu nếu ông Trump đắc cử?