Dự án tuyến metro 3,5 tỷ USD kết nối hai sân bay lớn nhất Việt Nam đạt cột mốc quan trọng
Theo phương án đề xuất, dự án có chiều dài dự kiến 41,83km, trong đó khoảng 11,7km đi qua TP. HCM và hơn 30km qua Đồng Nai.
Theo Báo Đồng Nai, tại Kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh khóa X đã thông qua Nghị quyết số 28/NQ-HĐND, thống nhất chủ trương giao UBND TP. HCM làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành .
Dự án đi qua địa phận hai tỉnh, gồm TP. HCM và Đồng Nai. Với việc thống nhất giao TP. HCM làm cơ quan chủ quản, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp triển khai theo quy định hiện hành.
Đồng thời, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện nghị quyết; Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh sẽ giám sát quá trình triển khai.
HĐND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên cùng tham gia giám sát, đồng thời vận động người dân phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng đến cơ quan chức năng.

Trước đó, UBND TP. HCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện dự án, căn cứ theo các quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành được xác định là đường sắt quốc gia.
Được biết, theo Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, thành phố có 4 tuyến đường sắt kết nối các sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành. Gồm 3 tuyến metro số 2, 4, 6 và tuyến đường sắt quốc gia Thủ Thiêm - Long Thành.
>> Đề xuất thu phí 2.000 đồng/km cho tuyến cao tốc gần 29.600 tỷ đồng tại cửa ngõ Đông Nam Bộ
Theo phương án đề xuất, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài dự kiến 41,83km, trong đó khoảng 11,7km đi qua TP. HCM và hơn 30km qua Đồng Nai.
Dự án được đề xuất xây dựng theo mô hình đường sắt vận chuyển nhanh (RRT/MRT) với khổ đường 1.435mm, thiết kế đôi, tốc độ tối đa 120km/h, gồm 20 ga, phục vụ hành khách nội - ngoại ô từ TP. HCM, Đồng Nai đến Sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 3,5 tỷ USD.
UBND TP. HCM sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 188 để tạo thuận lợi cho việc triển khai tuyến Thủ Thiêm - Long Thành cũng như các dự án đường sắt đô thị khác trên địa bàn.
Dự kiến, dự án này sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2025.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Với tiến độ triển khai thi công "thần tốc" trên tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió", sân bay Long Thành giai đoạn 1 hiện đang được triển khai các thủ tục để đưa vào khai thác.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại TP. HCM đang là sân bay lớn nhất cả nước. Cụ thể, sân bay Tân Sơn Nhất đứng đầu cả nước về tổng diện tích khai thác (hơn 1.500 ha) và công suất hàng hóa và số lượng hành khách phục vụ mỗi năm. Tuy nhiên, sau khi sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai, đang xây dựng) hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là sân bay lớn nhất cả nước với quy mô 5.000ha.
Muộn nhất 2 tháng nữa, siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD buộc phải đạt dấu mốc này
Đề xuất kinh phí hàng triệu tỷ đồng đầu tư hệ thống đường sắt quốc gia