Đường băng dài nhất Việt Nam trị giá hơn 7.300 tỷ đồng tại dự án siêu sân bay chính thức hoàn thành, sẵn sàng phục vụ công tác bay hiệu chuẩn
Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật mà còn là cột mốc đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Vào đêm 26/4, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV ) thông báo hệ thống đèn hiệu đường cất hạ cánh tại sân bay quốc tế Long Thành đã chính thức được kích hoạt và vận hành thử nghiệm thành công. Hệ thống này chiếu sáng toàn bộ đường băng, đánh dấu bước chuẩn bị quan trọng để phục vụ các chuyến bay hiệu chuẩn trước thời điểm 30/4.
Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật mà còn là cột mốc đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Hệ thống đèn hiệu được trang bị công nghệ LED tiên tiến, nhập khẩu từ châu Âu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của ngành hàng không quốc tế.

Song song đó, sân bay Long Thành còn được lắp đặt hệ thống dẫn đường hạ cánh chính xác ILS/DME, hỗ trợ phi công điều khiển máy bay tiếp cận và hạ cánh an toàn, ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi. Sự kết hợp giữa hai hệ thống này đảm bảo các hoạt động cất hạ cánh diễn ra chính xác, an toàn tuyệt đối, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác và độ ổn định của sân bay trong mọi hoàn cảnh.
“Việc mở thành công hệ thống đèn hiệu là một bước tiến quan trọng, góp phần khẳng định đường cất hạ cánh đã cơ bản đủ điều kiện kỹ thuật để bay hiệu chuẩn theo kế hoạch đề ra trước ngày 30/4”, đại diện lãnh đạo ACV nhấn mạnh.
Hạng mục đường băng sân bay Long Thành có tổng vốn đầu tư 7.308 tỷ đồng, được khởi công đồng thời với nhà ga hành khách vào ngày 31/8/2023. Đường băng có chiều dài 4.000 m, là đường băng dài nhất Việt Nam, chiều rộng 70m, trong đó đường băng chính rộng 40 m. Hệ thống bao gồm 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, với tổng diện tích khoảng 69,3 ha. Ngoài ra, dự án còn bố trí 4 sân đỗ tàu bay và các khu vực đỗ phương tiện phục vụ mặt đất rộng 12,4 ha.

Dự án sân bay Long Thành có quy mô 5.000 ha, tổng vốn đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,3 tỷ USD), được triển khai qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến đi vào hoạt động năm 2026, sẽ phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi hoàn thiện toàn bộ, sân bay sẽ sở hữu 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các công trình phụ trợ, đạt công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
>> Sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 5.000 chuyến bay dịp nghỉ lễ
Sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 5.000 chuyến bay dịp nghỉ lễ
Sau sáp nhập, đây là tỉnh ít dân nhưng dự kiến có 2 sân bay, 2 cảng biển và 3 cửa khẩu