Gã khổng lồ TSMC nhận trợ cấp khủng từ Mỹ trước khi ông Trump lên nắm quyền
Với tổng vốn đầu tư lên đến 65 tỷ USD, loạt nhà máy của TSMC dự kiến sẽ sản xuất hàng triệu chip công nghệ cao phục vụ AI, máy tính lượng tử và thiết bị quân sự của Mỹ.
Reuters đưa tin, Mỹ sẽ cung cấp nốt 6,6 tỷ USD để hỗ trợ TSMC  xây dựng các nhà máy tại bang Arizona. Động thái này được thực hiện trước khi cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại tiếp quản Nhà Trắng.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Joe Biden  cho biết: "Thỏa thuận cuối cùng với TSMC – nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới – sẽ thúc đẩy khoản đầu tư tư nhân trị giá 65 tỷ USD để xây dựng 3 cơ sở hiện đại tại Arizona".
Hồi tháng 4, vốn đầu tư theo kế hoạch đã được tăng thêm 25 tỷ USD, nâng tổng số tiền đầu tư lên 65 tỷ USD cho 3 nhà máy tại Arizona. Trong đó, nhà máy thứ 2 dự kiến sẽ sản xuất loại chip 2nm tiên tiến nhất thế giới và đi vào hoạt động trong năm 2028.
Đạo luật CHIPS, được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2022 nhằm thúc đẩy ngành bán dẫn trong nước, gần đây đã vấp phải sự chỉ trích từ ông Trump.
Hiện tại, Bộ Thương mại Mỹ đang tiếp tục hoàn tất kế hoạch trợ cấp tổng cộng hơn 36 tỷ USD theo đạo luật này trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2025.
Cụ thể, ngoài TSMC, các khoản trợ cấp lớn được phân bổ bao gồm 6,4 tỷ USD cho Samsung tại Texas, 8,5 tỷ USD cho Intel và 6,1 tỷ USD cho Micron Technology.
Tuy nhiên, phần lớn số tiền này vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa được giải ngân. Tùy thuộc vào một số cột mốc nhất định mà các công ty đạt được, họ sẽ nhận được khoản trợ cấp sau khi thỏa thuận hoàn tất.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh: "Hiện tại, Mỹ không sản xuất bất kỳ con chip tiên tiến nào trong nước. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể tuyên bố sẽ sản xuất những con chip này tại Mỹ. Những con chip được dùng để vận hành AI, máy tính lượng tử và thiết bị quân sự tiên tiến".
Ba nhà máy của TSMC tại Arizona khi hoạt động hết công suất được kỳ vọng sẽ sản xuất hàng chục triệu chip logic tiên tiến mỗi năm cho các sản phẩm như smartphone 5G/6G, xe tự hành, loạt ứng dụng AI và siêu máy tính.
Nhà máy đầu tiên, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2025, sẽ đạt năng suất tương đương với các cơ sở sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) – nơi hiện đang sản xuất phần lớn các chip tiên tiến của TSMC.
Một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ, ít nhất 1 tỷ USD trong khoản trợ cấp sẽ được giải ngân cho TSMC trong năm nay.
Trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ ngày càng quyết liệt, thỏa thuận này là bước tiến quan trọng giúp Mỹ tái khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Theo Reuters, AP
>> TSMC dừng cung cấp chip tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc