Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tính đến nay, cả nước có gần 5.500 lao động chưa được trả tiền lương với tổng số tiền nợ là hơn 56,45 tỷ đồng.
Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, báo cáo của các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương cho thấy, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023, đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của hơn 546.000 người lao động .
Trong đó, số lao động giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương là 491.212 người, chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 7.000 người, chiếm 1,28%; chấm dứt hợp đồng lao động với 48.623 người, chiếm 9% tổng số người bị ảnh hưởng.
Số lao động bị ảnh hưởng tập trung chính ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng) và chủ yếu tập ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).
Gần đây nhất là việc Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) - doanh nghiệp có nhiều lao động nhất Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không tiếp tục ký hợp đồng lao động (khi hợp đồng lao động hết hạn) với khoảng 3.000 lao động có hợp đồng lao động 1-3 năm. Ngoài ra, công ty đã trao đổi với công đoàn cơ sở, dự kiến tháng 2 sẽ cắt giảm 3.000 lao động thuộc khu C và khu D.
Cũng theo báo cáo, có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh/thành phố, nợ 74,29 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người. Đến nay đã giải quyết 17,83 tỷ đồng tiền lương của 486 người lao động, chưa giải quyết 56,45 tỷ đồng tiền lương của 5.493 người lao động. So với năm 2021, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn (năm 2021 là 62 doanh nghiệp nợ 79,39 tỷ đồng tiền lương của 8.300 người lao động, bình quân nợ 9,56 triệu đồng/người).
Trước tình hình trên, lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết thống nhất thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Garmex Sài Gòn: Cú trượt dài của một biểu tượng ngành dệt may, 4.100 lao động bị trả hồ sơ 
Người nhận lương cao nhất ở Quảng Nam là 390 triệu đồng/tháng