Giải được bài toán 'khó bậc nhất' của dự án cao tốc gần 18.000 tỷ Biên Hoà - Vũng Tàu
Khu vực 187ha để khu vực nhà ga T3 sân bay Long Thành giai đoạn 2 hiện đã được UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi, lấy đất làm dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai cho biết, Cảng vụ hàng không miền Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, các chủ đầu tư của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thống nhất việc lấy đất ở khu vực giai đoạn 2 sân bay Long Thành để thi công cao tốc.
Theo đó, khu vực 187ha thuộc một phần diện tích gần 1.799ha do công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai sử dụng, đã được UBND tỉnh này thu hồi.
Nguyên nhân do dự án giai đoạn 2 sân bay Long Thành chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nên không có cơ sở giao đất cho Cảng vụ hàng không miền Nam và các chủ đầu tư.
Phần diện tích đất nói trên hiện do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai quản lý; do đó các đơn vị liên quan đã thống nhất báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, quyết định và cho phép khai thác vật liệu san lấp từ nhà ga T3 sân bay Long Thành nhằm phục vụ cho thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trước đó, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị được sử dụng đất ở nhà ga T3 để thi công cao tốc qua địa bàn.
Tỉnh Đồng Nai cho rằng việc dùng đất đắp nền ở sân bay giúp giảm giá thành cho tuyến đường.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát quyết định việc sử dụng khối lượng đất chưa sử dụng của giai đoạn 2 sân bay để thi công dự án cao tốc.
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài gần 54km, được khởi công từ giữa tháng 6/2023 với quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng; Trong đó, đoạn một dài 16km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; đoạn hai dài 18,2km do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách và Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng đoạn 3 dài 19,5km.
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hoàn thành sẽ kết nối với các tuyến cao tốc khác như cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành (sân bay lớn nhất Việt Nam; giúp phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Theo ước tính của chủ đầu tư, dự án cao tốc Biên Hòa - Đồng Nai cần hơn 5,3 triệu m3 đất. Ngoài nguồn đất ở sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai hiện đang hoàn thiện thủ tục cấp phép đất đắp ở hai mỏ Tân Cang và Phước Bình để phục vụ dự án.
>> 'Sợi dây huyết mạch' Bắc - Nam gần 150.000 tỷ mới được 'trợ lực' thêm 6.300 tỷ đồng 
TP. HCM đầu tư 4 nút giao 'cởi trói' ùn tắc cho 2 giao lộ 6,7 con đường chồng chéo lên nhau 
Huyện sẽ lên quận Thủ đô Hà Nội: Giá nhà chạm ngưỡng hơn 200 triệu đồng/m2