Giải phóng mặt bằng - vấn đề gây trở ngại tại các dự án vành đai

05-05-2022 13:56|Ngọc Dũng

Mới đây, tại buổi Tọa đàm trực tuyến với Chính phủ, đại diện của Hà Nội và TP HCM đã nêu ra vấn đề vướng mắc nhất của cả 2 dự án vành đai là giải phóng mặt bằng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn, Thủ đô Hà Nội vừa là hạt nhân của vùng Thủ đô vừa là trung tâm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc thiết lập quy hoạch vùng vành đai hết sức có ý nghĩa để đồng bộ hóa hệ thống cao tốc, tạo động lực cho cả Bắc Bộ.

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 85.813 tỷ, chia thành 3 nhóm dự án thành phần. Trong đó, nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng ứng với 3 địa phương 3 dự án. Nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp cho 3 địa phương dự án. Nhóm 3 là dự án xã hội hóa theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận. Vốn đầu tư nhóm 1, 2 sẽ do ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận, nhóm dự án 3 do nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, TP Hà Nội cùng các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thiết lập tiến độ, công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2022-2023, dự án nhóm một đầu tư giải phóng mặt bằng trong 2022 - 2024, đường đô thị song hành nhóm hai trong năm 2022-2025, dự án PPP, BOT nhóm 3 từ năm 2022 đến 2025, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Theo đại diện của TP Hà Nội, khó khăn lớn nhất của dự án trọng điểm quốc gia Vành đai 4 Vùng Thủ đô là công tác giải phóng mặt bằng.

“Hiện nay quy mô giải phóng mặt bằng đối với Vành đai 4 tương đối lớn, 1.341 ha cho cả 3 tỉnh, thành phố, chiếm 19.000 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ, khoảng 22%. Riêng TP Hà Nội phải có một phương án bồi thường tái định cư cho khoảng 14.647 hộ và tái định cư cho 2.203 hộ, đã chuẩn bị 9 khu tái định cư quy mô khoảng 36,3 ha”, ông Tuấn cho biết.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm, Vành đai 3 TP HCM có ý nghĩa, vai trò quan trọng kết nối 4 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước. Đây cũng là đầu mối giao thông rất lớn, kết nối với quốc tế, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và hệ thống cảng biển chiếm 1/4 cả nước. Trong đó có Cảng Cát Lái là 1 trong 20 cảng lớn nhất thế giới.

Việc triển khai tuyến đường vành đai 3 có ý nghĩa trong việc giải quyết ùn tắc giao thông vùng nội đô các tỉnh, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư, đặc biệt là các khu chế xuất, khu công nghiệp, tăng cường kết nối giao thông các tỉnh trong vùng, đặc biệt từ Đông sang Tây, hoàn thành hệ thống cao tốc đi các nước bạn cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Dự án Vành đai 3 TP HCM có tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2020-2025 là 81% tức 61.000 tỷ đồng.

Về đầu tư công, hiện nay các tỉnh, thành phố theo cơ chế sẽ tham gia 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần của các tỉnh, riêng Long An 25%. TP HCM và Bình Dương tham gia vốn ngân sách địa phương lớn nhất, TP HCM là 24.000 tỷ, Bình Dương 9.600 tỷ, Đồng Nai khoảng 2.000 tỷ, Long An khoảng 1.000 tỷ.

“Dự án Vành đai 3 thành công được hay không là công tác bồi thường”, ông Trần Quang Lâm cho biết. Đây là vấn đề khó khăn nhất đối với các tỉnh, thành có vành đai 4 đi qua, nhưng các địa phương đã vào cuộc, triển khai công tác chuẩn bị. Sau khi được Quốc hội thông qua, các tỉnh sẽ bắt tay ngay vào triển khai. TP HCM và các tỉnh đã thống nhất chủ trương tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án riêng để quyết tâm triển khai bằng được. Theo tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng dự kiến cuối năm nay sẽ bắt đầu và cuối năm sau sẽ khởi công.

Cơ cấu tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng của Vành đai 3 TP HCM có khả năng chiếm trên 50%. Do đó việc giải phóng mặt bằng càng để chậm càng nguy cơ. Chắc chắn việc giải phóng mặt bằng không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi.

Đồng tình với ý kiến của đại diện 2 thành phố chính nơi đang triển khai các vành đai, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tất cả các báo cáo đánh giá về những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, thì nguyên nhân giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một.

Công tác giải phóng mặt bằng là công tác rất phức tạp, có nhiều khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công. Hệ lụy dẫn tới là chậm tiến độ, giải ngân thấp. Chính vì vậy, khi đặt vấn đề thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 2 dự án Vành đai 3 TP HCM và Vành đai 4 TP Hà Nội, công tác giải phóng mặt bằng được đặc biệt quan tâm.

Việc kiến nghị cho phép chỉ định thầu trong giải phóng mặt bằng được kỳ vọng là rút ngắn thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng.

Đại diện Bộ Kế hoạch cho biết, ở hai dự án này, công tác giải phóng mặt bằng còn khó hơn rất nhiều lần so với các dự án khác do quy mô lớn, giá trị tiền nhiều. Do vậy, chỉ định thầu có thể rút ngắn được tiến độ thi công tác điều hành, quản lý, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng cũng không kém phần quan trọng. Tất cả điều đó tổng hòa giúp rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.

Dự kiến 4 tháng nữa, cây cầu 20.000 tỷ do liên danh Vingroup (VIC) đề xuất đầu tư sẽ được khởi công

Vinaconex chạy nước rút tại loạt gói thầu cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành: Chờ liều 'doping' quan trọng năm 2025

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giai-phong-mat-bang-van-de-gay-tro-ngai-tai-cac-du-an-vanh-dai-126794.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Giải phóng mặt bằng - vấn đề gây trở ngại tại các dự án vành đai
    POWERED BY ONECMS & INTECH