Gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất 2% bị "ế": Nên điều chuyển sang hình thức hỗ trợ khác?

02-12-2023 14:31|Linh Nhi

Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc chương trình triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%, dự kiến đến hết năm nay chỉ giải ngân được hơn 1.400 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ lãi suất vay 2% trị giá 40.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp thông qua các ngân hàng thương mại (hạn cuối giải ngân đến 31/12/2023) là một trong những chính sách thuộc chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Sau gần 2 năm triển khai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng đến nay đạt 875 tỷ đồng, tức là chỉ khoảng 2,3% tổng hạn mức hỗ trợ lãi suất.

Lý giải nguyên nhân vì sao “chê” gói hỗ trợ lãi suất dù được ngân hàng mời tận nơi, đại diện Công ty TNHH MTV Đức Toàn (Đắk Nông) cho biết, việc tiếp cận gói lãi suất ưu đãi đòi hỏi thủ tục phức tạp, như báo cáo tài chính, hợp đồng kinh tế, hóa đơn đặt hàng, phiếu nhập - xuất kho, hóa đơn chuyển tiền… không phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Hầu hết doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp gia đình, cơ cấu gọn nhẹ, không qua máy móc theo dõi hàng tháng, hoặc không có hóa đơn, người dân vùng nông thôn vẫn có thói quen thanh toán tiền mặt. Muốn có báo cáo, hợp đồng, hóa đơn chuẩn chỉnh… thì sẽ phát sinh chi phí thuê kế toán, làm giảm thu nhập doanh nghiệp”, vị đại diện này giãi bày.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank đánh giá: “Biến động lãi suất trong suốt thời gian vừa rồi cũng làm cho chính sách hỗ trợ lãi suất bị ảnh hưởng nhất định. Bởi khi lãi suất cao thì việc hỗ trợ không có ý nghĩa, đến bây giờ lãi suất xuống thấp thì doanh nghiệp cũng không còn mặn mà, chưa kể thủ tục còn phức tạp”.

Từ những khó khăn, vướng mắc khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% không đạt mục tiêu và tính hiệu quả, ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế kiến nghị nên điều chuyển gói hỗ trợ này sang hình thức hỗ trợ khác như miễn giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, là những chính sách hỗ trợ rất thiết thực và đang phát huy hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Cũng đồng tình với việc nên điều chuyển gói hỗ trợ lãi suất 2%, song ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), cho rằng nên thành lập một quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo đó, gộp 26 quỹ tại các địa phương, xem xét bảo lãnh tín chấp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận vốn.

Thực tế, hiện nay, NHNN đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan về kết quả triển khai chương trình này để có cơ sở xây dựng phương án, để xuất cấp có thẩm quyền chuyển sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa.

NHNN cũng đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT cung cấp thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất và dự kiến khả năng hấp thụ chính sách để Bộ này có thông tin làm cơ sở xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh nhiệm vụ chi hỗ trợ lãi suất không sử dụng hết sang hình thức, chính sách hỗ trợ khác có khả năng triển khai, còn dư địa thực hiện theo quy định.

Bất ngờ với tốc độ triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng: Có ngân hàng giải ngân được gần 90%

Đại biểu tỉnh Quảng Trị: Thất bại của gói lãi suất 2%...'chưa hẳn là thất bại'

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: 3 "ông lớn" ngân hàng giải ngân chưa nổi 200 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/goi-40000-ty-ho-tro-lai-suat-2-bi-e-nen-dieu-chuyen-sang-hinh-thuc-ho-tro-khac-213606.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Gói 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất 2% bị "ế": Nên điều chuyển sang hình thức hỗ trợ khác?
    POWERED BY ONECMS & INTECH