'Gót chân Achilles' của Trung Quốc lộ diện: Nguy cơ dòng doanh nghiệp tháo chạy không thể cứu vãn?
Khi doanh nghiệp không còn tin tưởng rằng họ có thể duy trì nguồn cung ứng tại Trung Quốc với chi phí hợp lý, việc rời đi trở thành lựa chọn bắt buộc, theo nhà đầu tư tỷ phú Bill Ackman.
Theo bài đăng trên X của nhà đầu tư tỷ phú Bill Ackman, có một số ý kiến cho rằng, với tầm nhìn dài hạn, Trung Quốc có thể “thắng” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - quốc gia được cho là đặt ưu tiên ngắn hạn lên hàng đầu.
Tuy nhiên, cách đánh giá này bỏ qua một thực tế: Càng để thuế quan kéo dài, các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng tại Trung Quốc càng nhanh chóng rời đi sang Ấn Độ, Mexico, Mỹ hoặc những nước khác.
Trung Quốc hiểu rất rõ điều này và vì vậy nước này nên có động lực mạnh mẽ để sớm đạt được một thỏa thuận. Khi doanh nghiệp không còn tin tưởng rằng họ có thể duy trì nguồn cung ứng tại Trung Quốc với chi phí hợp lý, việc rời đi trở thành lựa chọn bắt buộc.
Việc duy trì mức thuế cao trong thời gian dài sẽ dần làm xói mòn niềm tin của cả doanh nghiệp Mỹ lẫn quốc tế vào Trung Quốc như một trung tâm sản xuất ổn định. Với tư cách là một “người chơi dài hạn”, Trung Quốc không thể bỏ qua hệ lụy nghiêm trọng này.
Tác động ngắn hạn từ thuế quan lên các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn cung Trung Quốc là rất nghiêm trọng, đặc biệt với các công ty nhỏ - những đơn vị thiếu nguồn lực để chống chọi lâu dài.
Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ Mỹ có thể tung ra các chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc, dù khả năng phải sử dụng biện pháp này là không cao.

Các doanh nghiệp vừa và lớn cũng chịu ảnh hưởng từ thuế quan, nhưng với nguồn lực tài chính dồi dào hơn, họ có thể cầm cự cho tới khi hoàn tất việc di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều có động lực cấp thiết để nhanh chóng hạ mức thuế về ngưỡng hợp lý hơn, khoảng 10–20%. Trên thực tế, một lệnh "tạm ngừng" áp thuế không thể hiện sự nhượng bộ, mà là quyết định hợp lý. Điều quan trọng là tuyên bố hạ thuế phải được đưa ra trên cơ sở đồng thuận, thể hiện tính song phương thay vì để lộ bất kỳ bên nào "xuống nước" trước.
Giả sử Mỹ và Trung Quốc thống nhất áp dụng một giai đoạn "tạm ngừng" kéo dài 180 ngày để đàm phán, áp lực sẽ dồn nhiều hơn lên phía Trung Quốc. Càng kéo dài, danh tiếng của Trung Quốc với tư cách điểm đến kinh doanh càng suy giảm, thúc đẩy làn sóng rút lui của các doanh nghiệp Mỹ và quốc tế.
Ngay cả trong trường hợp hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại cực kỳ thuận lợi, thiệt hại đối với niềm tin vào Trung Quốc đã là không thể đảo ngược. Không một Hội đồng quản trị hay Ban lãnh đạo nào còn cảm thấy an toàn khi phụ thuộc vào Trung Quốc cho phần lớn chuỗi cung ứng của mình.
Cơ hội duy nhất để Trung Quốc duy trì vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu là nhanh chóng đạt được một thỏa thuận toàn diện, cam kết lâu dài về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ, mở rộng quyền tiếp cận thị trường và loại bỏ các rào cản thương mại.
Nếu Bắc Kinh lựa chọn trì hoãn đàm phán, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với những tổn thất sâu sắc và kéo dài hơn. Khi đó, Mỹ có thể triển khai các chương trình cho vay quy mô lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Trong cuộc đàm phán này, thời gian là đồng minh của Mỹ và là điểm yếu của Trung Quốc. Một thỏa thuận tạm ngừng áp thuế và khởi động tiến trình đàm phán cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Đánh giá của Bill Ackman đã đi ngược lại quan điểm cho rằng Trung Quốc có thể trụ vững trước cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động - lập trường cứng rắn vốn định hình phản ứng của Bắc Kinh suốt thời gian qua. Trung Quốc khẳng định Mỹ cần thể hiện sự tôn trọng và chấm dứt các phát ngôn mang tính công kích trước khi hai bên có thể nối lại đàm phán.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã áp mức thuế lên tới 145% đối với phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng các biện pháp tương tự và đẩy mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đến bờ vực sụp đổ.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc hiện đang cân nhắc việc tạm thời đình chỉ mức thuế 125% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong bối cảnh các ngành công nghiệp trong nước chịu áp lực ngày càng lớn từ cuộc chiến thương mại.
>> Nóng: Trung Quốc cân nhắc hoãn mức thuế 125% đối với một số hàng hóa Mỹ