Hà Nội bố trí các điểm tiêm thế nào trong chiến dịch tiêm vaccine COVID-19?

22-07-2021 14:24|Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Để đáp ứng yêu cầu tiêm chủng đạt 200.000 mũi tiêm/ngày, Hà Nội bố trí các điểm tiêm chủng theo 2 hình thức: Các điểm tiêm chủng cố định và các điểm tiêm chủng lưu động.

Theo Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bản Hà Nội mới ban hành, hệ thống tiêm chủng Hà Nội được xây dựng trên nền tảng phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã giữ vai trò chủ yếu trong công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.

Việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện tại các trạm y tế và một số bệnh viện. Ngoài ra, còn có các điểm tiêm chủng vaccine dịch vụ tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Để đáp ứng yêu cầu tiêm chủng đạt 200.000 mũi tiêm/ngày, Hà Nội bố trí các điểm tiêm chủng theo 2 hình thức:

Tổ chức tại các điểm tiêm chủng cố định đã đủ điều kiện tiêm chủng bao gồm: Trạm y tế, bệnh viện, cơ sở tiêm chủng dịch vụ, phòng khám đa khoa cả trong và ngoài công lập.

Hà Nội cũng thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn như: Thực hiện tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu vực có nhiều cơ quan, đơn vị, các trường Đại học, cao đẳng; hoặc khu vực có mật độ dân cư lớn trong khi các điểm tiêm chủng cố định không đáp ứng được yêu cầu về diện tích để giãn cách khi có đông người trong cùng một thời điểm. Điểm tiêm chủng lưu động bố trí ở các trường học, cơ quan, công sở, khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà văn hoá, nhà thi đấu thể thao… có thể triển khai nhiều dây chuyền tiêm.

Về nhân lực, tại điểm tiêm chủng cố định, mỗi dây chuyền tiêm có tối thiểu 3 nhân viên chuyên ngành y, ít nhất 1 nhân viên có chuyên môn từ y sĩ trở lên. Nhân viên trực tiếp khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi xử trí phản ứng sau tiêm chủng có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp y hoặc trung cấp điều dưỡng- hộ sinh trở lên; nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng và tập huấn về tiêm chủng vaccine COVID-19.

Tại điểm tiêm chủng lưu động, mỗi dây chuyền tiêm có tối thiểu 2 nhân viên chuyên ngành y, trong đó nhân viên trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng có trình độ chuyên môn từ y sĩ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp y hoặc trung cấp điều dưỡng- hộ sinh trở lên; nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng và tập huấn về tiêm chủng vaccine COVID-19.

Để đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng tiến độ, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương có thể huy động thêm nhân lực cần thiết để hỗ trợ các điểm tiêm chủng cho phù hợp. Mỗi dây chuyền tiêm cần bổ sung tối thiểu 2 nhân viên chuyên ngành y (cán bộ y tế, sinh viên trường y) và 4 người hỗ trợ trong việc chỉ đạo, điều phối, gửi giấy mời, đôn đốc các đối tượng, giữ an ninh trật tự…

Đặc biệt, Hà Nội sẽ huy động tăng cường 100 tổ cấp cứu từ các bệnh viện trên địa bàn Thành phố hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng cố định và lưu động để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có 604 dây chuyền tiêm chủng tại các cơ sở đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng đảm bảo hoạt động; trong đó: 547 dây chuyền tại các cơ sở công lập đủ điều kiện (504 dây chuyền tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; 18 dây chuyền tại phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm y tế huyện; 25 dây chuyền tại các bệnh viện công lập) và 57 dây chuyền tại cơ sở tư nhân đủ điều kiện (18 bệnh viện và 39 phòng khám, cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân).

Link Nguồn

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ha-noi-bo-tri-cac-diem-tiem-the-nao-trong-chien-dich-tiem-vaccine-covid-19-118596.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Hà Nội bố trí các điểm tiêm thế nào trong chiến dịch tiêm vaccine COVID-19?
    POWERED BY ONECMS & INTECH