Hà Nội ưu tiên bảo vệ môi trường khi xây dựng thành phố thông minh
Giao thông đô thị, bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá, du lịch và bảo vệ môi trường nước, không khí là ba vấn đề ưu tiên của thành phố Hà Nội khi thực hiện Đề án xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Trong hai ngày 2-3/12, UBND thành phố Hà Nội  phối hợp với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) tổ chức “Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024”.
Theo ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Thủ đô sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng “3 trụ cột 1 nền tảng”, là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với nền tảng là văn hóa và công dân số, an ninh an toàn trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - chia sẻ, thành phố đang triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Hà Nội lồng ghép bảo vệ môi trường trong Đề án xây dựng thành phố thông minh. |
Đề án hướng tới mục tiêu phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng “văn hiến - văn minh - xanh - thông minh - hiện đại”, vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng thành phố thông minh bền vững. Xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả. Xây dựng nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh. Đào tạo và tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết, chất lượng cao.
Đề án ưu tiên ba nhóm nhiệm vụ gồm giao thông đô thị; bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá, du lịch; bảo vệ môi trường nước, không khí.
Để đạt được mục tiêu trên theo định hướng ưu tiên, ông Hùng cho biết, thành phố triển khai đồng loạt 8 giải pháp chung gồm giải pháp về quy hoạch, kinh tế, tài chính - đầu tư, truyền thông, nhân lực, hợp tác quốc tế, khoa học và công nghệ, đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham quan mô hình giám sát ngập lụt tự động tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024, diễn ra 2-3/12 tại Hà Nội. |
Thành phố cũng xây dựng các nhóm giải pháp ưu tiên cho từng ngành, trong đó lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Với ngành quy hoạch, kiến trúc sẽ quy hoạch xanh thông minh từ đầu, thực hiện cơ chế giám sát quy hoạch thông minh. Triển khai quy hoạch đô thị với tư duy dài hạn và thích ứng, quy hoạch không gian ngầm và không gian thông minh. Phát triển không gian xanh, sông nước và văn hóa.
Cụ thể, sẽ sử dụng các công nghệ như AI và Big Data để quy hoạch các khu đô thị bền vững, linh hoạt theo thời gian, đẩy mạnh kiến trúc xanh trong thiết kế đô thị, tạo ra các không gian sống đa chức năng, thông minh và giữ gìn bản sắc đô thị.
Trong lĩnh vực xây dựng sẽ ứng dụng công nghệ (IoT, AI, BigData…) trong quản lý và giám sát xây dựng. Sử dụng Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, và công nghệ xây dựng tiên tiến. Quản lý tòa nhà thông minh theo hướng tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, an ninh và dịch vụ cho các khu đô thị.
Trong lĩnh vực giao thông sẽ giám sát, điều phối và quản lý giao thông thông minh, quy hoạch giao thông công cộng (TOD), sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường sẽ áp dụng IoT và AI để theo dõi chất lượng không khí, nước, và xử lý chất thải. Quản lý tài nguyên thông minh bằng việc áp dụng các hệ thống quản lý chất thải, năng lượng và tài nguyên nước thông minh. Đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đồng thời ứng dụng công nghệ IoT và AI tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà, khu dân cư.
Trong nông nghiệp sẽ phát triển nông nghiệp thông minh sẽ ứng dụng IoT, AI và công nghệ sinh học để tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp. Phát triển mô hình nông nghiệp đô thị thông minh, tạo ra thực phẩm sạch và an toàn ngay trong thành phố. Tích hợp các giải pháp nông nghiệp bền vững vào quy hoạch phát triển.
Những năm qua, ô nhiễm môi trường là vấn đề nghiêm trọng ở Hà Nội, nhất là ô nhiễm không khí trong mùa đông và ô nhiễm sông hồ, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sức khoẻ của người dân thủ đô.
Công bố quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh từ sớm