Hải quan và doanh nghiệp tăng tương tác để mang lại hiệu quả
Để sự đồng hành giữa hải quan và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả thì ngoài nỗ lực của ngành hải quan, không thể thiếu sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, các Hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp (DN), cộng đồng DN.
Đây là ý kiến được lãnh đạo ngành hải quan khẳng định Diễn đàn thường niên Hải quan- DN năm 2023 với chủ đề "Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho DN phục hồi và bứt phá" nhân kỷ niệm 78 năm thành lập Hải quan Việt Nam (10/9/1945-10/9/2023), do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 6/9.
(TyGiaMoi.com) - Coi DN là đối tác cùng hoàn thành nhiệm vụ
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Trước tình hình đó, ngành Hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tạo động lực mới cho DN phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
"Ngay từ đầu năm, ngành hải quan đã giao 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỉ lệ tờ khai luồng Đỏ, giảm 10% tỉ lệ tờ khai luồng Vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...", ông Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chương trình DN ưu tiên về hải quan đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu. Qua thời gian thí điểm từ năm 2011, triển khai chính thức từ năm 2014, tính hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 DN đang được áp dụng chế độ DN ưu tiên.
"Chúng tôi đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% DN tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Và sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của DN, phấn đấu tăng tỉ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động xuất nhập khẩu, lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.
Cần phối hợp đồng bộ để đồng hành DN
Khẳng định đồng hành cùng DN cũng chính là bảo vệ DN làm ăn chân chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới đã và đang diễn biến hết sức phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường. Ngành hải quan xác định cùng với tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cũng cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
"Ngành hải quan mong muốn các DN tiếp tục phối hợp, hưởng ứng cùng cơ quan hải quan phát triển phong phú hơn các hoạt động đối tác Hải quan-DN. Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng DN sẽ là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển", Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chia sẻ.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá cao nỗ lực của ngành hải quan trong việc tạo động lực cho DN phát triển, giúp DN thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ với Nhà nước.
"Trước đây, có chủ DN tâm sự không biết bị nhắc nhở, xử phạt nhưng không rõ sai ở đâu, thì nay mọi thứ đã rõ ràng hơn, do đó tương tác hải quan-DN là rất quan trọng. Hải quan và DN ngày càng đồng hành để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, có sự đồng thuận cao, tạo sự tự nguyện trong tuân thủ các pháp luật liên quan hải quan nói riêng và các pháp luật khác nói chung", ông Hoàng Quang Phòng nói.
Tại diễn đàn, đại diện KORCHAM đánh giá cao việc cơ quan hải quan các địa phương, Tổng cục Hải quan đã liên tục cải cách, sửa đổi chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu, lắng nghe ý kiến đóng góp của DN để đưa ra các chỉ thị, hướng dẫn hỗ trợ các DN, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất của các DN FDI nói chung và DN Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng.
Thời gian vừa qua, trong tình hình khó khăn do tác động của dịch COVID-19, cộng đồng DN đã chứng kiến những nỗ lực cải cách của cơ quan hải quan trong việc hỗ trợ DN phục hồi hoạt động kinh doanh. Những hướng dẫn và chỉ đạo mang tính thực tiễn, có tính ứng dụng cao, phù hợp với tình hình và bối cảnh trong nước đã góp phần giúp đỡ các DN trong việc đẩy nhanh quá trình thực hiện thủ tục hành chính, tối ưu hóa thời gian và chu trình vận hành.
Điển hình như chủ trương hiện đại hóa hải quan thông qua hệ thống điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển hệ thống hải quan thông minh, ban hành chính sách quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa,… đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, không để gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan còn không ngừng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN bố trí nguồn nhân lực bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc tổ chức các buổi đối thoại trực tuyến để trao đổi, thảo luận và giải đáp các vấn đề vướng mắc phát sinh của DN, tạm dừng, tạm hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát. Nhìn chung, tổng thể các biện pháp cải cách thủ tục hành chính và quản lý thực hiện thanh tra, kiểm tra của Cơ quan hải quan đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh được cộng đồng ghi nhận và đánh giá rất cao.
Đại diện KORCHAM nêu một số ý kiến và đề góp ý để tiếp tục cải thiện trong quá trình xây dựng chính sách. Về mặt xây dựng luật, các DN kỳ vọng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải được thực hiện một cách minh bạch và công khai để cộng đồng DN tham gia vào quá trình này và có truy cập thuận tiện vào thông tin, góp ý đầy đủ. Khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, cần bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật được trình bày rõ ràng và dễ hiểu, tránh sử dụng ngôn ngữ phức tạp, khó hiểu, đa nghĩa để DN và các cơ quan thực thi có thể hiểu và tuân thủ một cách dễ dàng. Cần bảo đảm cơ chế xử phạt hiệu quả và công bằng đối với việc vi phạm quy phạm, bảo đảm thực thi phù hợp. Tổng cục Hải quan và các cơ quan hải quan địa phương có hướng dẫn thực hiện rõ ràng, rành mạch để thống nhất thực hiện giữa các địa phương.
Đại diện KORCHAM cho rằng: Cần thiết lập các cơ chế để theo dõi và đánh giá hiệu quả của quy phạm pháp luật sau khi được ban hành và điều chỉnh thay đổi nếu cần. Khi có đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cần thông qua quy trình lấy ý kiến và đánh giá toàn diện các tác động ảnh hưởng đến hoạt động của các DN hiện tại để đưa ra các đề xuất, giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, đề xuất cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật xây dựng thời gian chuyển tiếp để DN thích ứng tái cấu trúc mô hình kinh doanh.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, để tiếp tục cải thiện, cần phối hợp luật hóa công tác kiểm tra chuyên ngành, đơn giản tối đa hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
"Đây là việc cần sự phối hợp không chỉ hải quan và các ngành khác tập huấn hỗ trợ cho cộng đồng DN nâng cao năng lực nghiệp vụ hải quan, nâng trình độ tính tuân thủ cho các pháp luật hải quan nói riêng và vấn đề khác nói chung", ông Hoàng Quang Phòng góp ý.
Thủ phủ chăn nuôi cả nước cầu cứu Chính phủ: Ưu đãi thuế nhập khẩu bị 'vô hiệu hóa' 
Ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh