Xác lập hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển công nghệ số

Thu Hằng 06/01/2025 - 17:08

Nhấn mạnh vai trò của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trong việc cụ thể hóa Nghị quyết 57, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc hội phải đóng vai trò tháo gỡ các điểm nghẽn, xác lập hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển công nghệ số.

Ngày 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Quy định khung về tài sản số

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng tài sản số là vấn đề mới, thay đổi nhanh, cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ý kiến khác cho rằng cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo luật.

lequanghuy.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quốc hội

Thường trực Ủy ban đã thấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng. Hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thống nhất quy định khung về vấn đề này và giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ông Huy cũng khẳng định, các quy định về tài sản số trong dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, không chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành; không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử và Luật Chứng khoán.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao cơ quan thẩm tra trong thời gian rất ngắn đã tiếp thu, chỉnh lý, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Ông Thanh thống nhất với quan điểm của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, đây là vấn đề mới, biến động rất nhanh. Quốc tế cũng chưa có một quy định thống nhất. Vì vậy, dự luật quy định theo hướng nguyên tắc và sẽ giao cho Chính phủ quy định về tài sản số.

Trước đây Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp sớm có cơ sở pháp lý, rõ ràng trong thực tiễn đã có câu chuyện này rồi.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, nội dung này Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp làm cách 6, 7 năm nhưng mấy năm rồi vẫn chưa ban hành được quy định.

Vừa rồi Bộ Thông tin và Truyền thông rất nỗ lực tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và nhận thấy đây là một vấn đề mới, quan trọng, cần một hành lang, một khuôn khổ pháp lý nên Bộ đề xuất đưa vào trong dự thảo luật này.

Nội dung này trong dự thảo luật đã quy định một số nguyên tắc phát triển tài sản số, những tiêu chí xác định nguyên tắc quản lý, trách nhiệm các cơ quan và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo sự linh hoạt.

Tháo gỡ rào cản chính sách cho công nghệ số phát triển

Một nội dung khác cũng được các đại biểu quan tâm là việc thể chế hóa nội dung Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào trong dự luật này như thế nào.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dự luật lần này càng phải nhấn mạnh đến việc đột phá về lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc chỉnh lý làm sao để dự thảo trình kỳ họp thứ 9 thông qua đảm bảo thật sự đột phá cho phát triển đi lên về công nghệ số, công nghiệp công nghệ số.

TranThanhMan 01.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải chuẩn bị các phương án để phạm vi điều chỉnh những vấn đề mới mang tính thời sự như Internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn.

Trong đó phải xác định trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, bán dẫn là công nghệ chiến lược và mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 từng bước phải làm chủ.

“Luật Công nghiệp công nghệ số phải tính để đi vào thực hiện, triển khai Nghị quyết 57”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhấn mạnh Quốc hội phải đóng vai trò tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực để hoàn thiện, xác lập hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển công nghệ số, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: “Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và tới đây là nhiều luật khác phải tháo gỡ khó khăn chính sách cho vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”. Vì vậy, Quốc hội phải chỉ ra được những điểm nghẽn mới tháo gỡ được.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu thống nhất với các bộ, ngành để xác định lĩnh vực ưu tiên, định hướng đầu tư cho công nghệ số.

“Tôi cho rằng dự luật này trước đây đã quan trọng, nhưng khi có Nghị quyết 57 thì càng quan trọng gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, làm sao triển khai được luật này đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo của Đảng, nghị quyết của Đảng cho thông suốt”, ông Trần Thanh Mẫn nói.

thutuongPhuong 4T.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương. Ảnh: Quốc hội

Báo cáo thêm về dự luật sau đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết, dự thảo luật lần này đã có những nội dung để triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 57.

Điển hình như quy định về xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để ưu đãi đặc biệt cho công nghệ số trọng điểm, tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Hay như việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho những nội dung mới. Ví dụ như tài sản số cũng là khuyến khích đổi mới sáng tạo và loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Ngoài ra còn có những chính sách ưu đãi cho việc chế tạo, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại Việt Nam để từng bước tự chủ được về công nghệ...

Dồn sức cho họp Quốc hội bất thường, thông qua các nghị quyết phục vụ việc tinh gọn bộ máy

CNS là lực lượng sản xuất mới của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số của nhân loại

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/xac-lap-hanh-lang-phap-ly-vung-chac-cho-phat-trien-cong-nghe-so-2360615.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Xác lập hành lang pháp lý vững chắc cho phát triển công nghệ số
    POWERED BY ONECMS & INTECH