Vĩ mô

Sáp nhập xã, phường: Nghiên cứu tỷ lệ phù hợp với đặc điểm từng địa phương

Trường Phong 11/04/2025 15:35

Các địa phương có thể nghiên cứu tỷ lệ sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã phù hợp với đặc điểm, yêu cầu quản lý của từng địa phương, đảm bảo cao nhất mục tiêu gần dân, sát dân, chăm lo tốt nhất cho người dân.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, sáng 10/4, liên quan đến Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính - cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành phố; không tổ chức cấp huyện, giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã.

Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với phân cấp, phân quyền, đặc biệt là cấp xã mới sau khi sáp nhập, cần làm thế nào để thực sự gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Nói thêm về vấn đề sáp nhập cấp xã, theo Tổng Bí thư, "giảm khoảng 50%" mới là gợi ý định hướng của Bộ Chính trị, "chứ không phải ấn định con số này".

Sáp nhập xã, phường: Nghiên cứu tỷ lệ phù hợp với đặc điểm từng địa phương ảnh 1
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, sáng 10/4. Ảnh: TTXVN.

"Bộ Chính trị nêu rõ, yêu cầu cao nhất là chính quyền cấp xã gần dân, sát với dân, giải quyết mọi yêu cầu của dân ở cấp xã, phường, cấp cơ sở. Đây là tiêu chí rất quan trọng, do đó bố trí cấp xã như thế nào hoàn toàn là do cấp tỉnh xem xét và đề xuất", Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị có nêu đề xuất là giảm khoảng 50%, Trung ương sẽ thảo luận thế nào cho hợp lý, và các địa phương, tuỳ mỗi phạm vi, mỗi hoàn cảnh, có thể dao động con số này, chứ không phải đã "ấn định 50%, nên các địa phương phải làm đúng 50%".

"Có thể giảm 60 - 70% nếu các đồng chí thấy quản lý được, thấy đáp ứng được yêu cầu gần dân, sát dân", Tổng Bí thư nêu thêm.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong quanh vấn đề này, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong quá trình nghiên cứu sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, cũng có nhiều thông tin về con số, như còn khoảng 2.500 xã, 5.000 xã...

"Cần thống nhất quan điểm như Tổng Bí thư nói, là khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phải đảm bảo cấp cơ sở thực sự gần dân, sát dân", ông Dĩnh nói, đồng thời cho biết, sau này, cấp cơ sở sẽ được phân quyền nhiều hơn, thực hiện rất nhiều nhiệm vụ liên quan đến người dân.

Vì thế, theo ông Dĩnh, cần đảm bảo quy mô cấp xã phải đủ lớn, và bộ máy phù hợp. Ông Dĩnh nêu, ví dụ, ở vùng đồng bằng, đô thị, có thể không phải chỉ giảm khoảng 50% số xã, phường, mà có thể giảm được nhiều hơn, bởi khoảng cách địa lý không quá xa. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, nếu xã rộng quá thì cũng khó quản lý.

Một vấn đề nữa, theo ông Dĩnh, khi thực hiện sáp nhập xã, phường, sẽ có bộ máy mới (theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mỗi đơn vị cấp cơ sở có 5 phòng - PV), mà nếu xã không đủ lớn, bộ máy sẽ lại trở nên cồng kềnh, hoạt động thiếu hiệu quả, ảnh hưởng đến mục tiêu gần dân, sát dân, giải quyết nhanh nhất các yêu cầu của người dân.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, từng địa phương, tuỳ vào điều kiện cụ thể của mình, sẽ nghiên cứu sáp nhập các xã, phường phù hợp, nhưng phải đảm bảo theo đúng định hướng gần dân, sát dân, chăm lo tốt nhất cho người dân.

>>Trung ương thảo luận về chủ trương sáp nhập tỉnh, sửa Hiến pháp

2 tỉnh miền Trung được ví như ‘Việt Nam thu nhỏ’, có hơn 3 triệu dân nhưng không thuộc diện sáp nhập

Không phải diện tích hay dân số, đây là yếu tố quyết định Thanh Hóa và Nghệ An không thuộc diện sáp nhập

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/sap-nhap-xa-phuong-nghien-cuu-ty-le-phu-hop-voi-dac-diem-tung-dia-phuong-post1732795.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Sáp nhập xã, phường: Nghiên cứu tỷ lệ phù hợp với đặc điểm từng địa phương
    POWERED BY ONECMS & INTECH