Đây là một động thái nhằm cắt đứt một trong những dòng tiền quan trọng cuối cùng từ Mỹ sang Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết.
Washington Post đưa tin, vào tối 13/5 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden  đã ký thành luật lệnh cấm nhập khẩu uranium làm giàu của Nga, nhiên liệu chính được sử dụng bởi các nhà máy điện hạt nhân. Đây là một động thái nhằm cắt đứt một trong những dòng tiền quan trọng cuối cùng từ Mỹ sang Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết.
Theo đó, lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 90 ngày. Tuy nhiên, lệnh này cũng cấp quyền cho Bộ Năng lượng Mỹ quyền miễn trừ trong trường hợp có lo ngại về nguồn cung. Điều này có nghĩa là Washington vẫn có thể nhập khẩu uranium làm giàu của Nga nếu họ không tìm được nguồn thay thế. Được biết, Nga là nhà cung cấp uranium đã làm giàu hàng đầu thế giới và chiếm khoảng 24% lượng uranium đã làm giàu mà nhà máy điện hạt nhân  của Mỹ sử dụng.
Đạo luật cũng yêu cầu Bộ Năng lượng Mỹ điều tra và báo cáo trước Quốc hội về các phương án thay thế nguồn cung cấp uranium của Nga.
Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật lệnh cấm nhập khẩu uranium làm giàu của Nga |
Trong một tuyên bố hôm thứ 2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết đạo luật do Tổng thống Joe Biden ký sẽ tăng cường an ninh kinh tế và năng lượng của đất nước bằng cách giảm bớt và cuối cùng là loại bỏ sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. “Luật mới này tái lập vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân. Nó sẽ giúp đảm bảo ngành năng lượng của chúng ta cho các thế hệ mai sau”, ông Sullivan nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Mỹ John Barrasso, thành viên Đảng Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Năng lượng Thượng viện, cho rằng “cỗ máy chiến sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mất đi một trong những con bò sữa hái ra tiền” sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật cấm nhập khẩu uranium đã làm giàu từ Nga.
Quốc hội Mỹ đã cấm dầu, khí đốt và than đá của Nga hồi tháng 2. Nền kinh tế đứng đầu thế giới đã chi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cho nhiên liệu hạt nhân từ Nga, vì vậy luật mới đã cắt đứt nguồn thu chính khi xung đột Nga-Ukraine đang leo thang và đẩy chi tiêu quân sự lên mức cao kỷ lục.
Theo nhiều chuyên gia, đạo luật này có thể làm thay đổi nguồn cung của ngành và việc khởi động các chương trình cung cấp nhiên liệu hạt nhân sẽ rất quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm tránh sự gián đoạn trong ngành và trở ngại cho thế hệ lò phản ứng tiếp theo.
Bên cạnh đó, vị thế của Nga trong thị trường nguyên liệu cho điện hạt nhân có thể tạo ra một thách thức lớn cho các nước phương Tây dù họ đang cố gắng thoát sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow.
Nga sở hữu khoảng 50% cơ sở hạ tầng làm giàu uranium của thế giới. Việc chuyển đổi uranium khai thác từ các mỏ nguyên liệu trở thành uranium làm giàu cho các lò phản ứng hạt nhân thường mất 3-5 năm và việc thay thế nguồn cung không phải là câu chuyện dễ dàng.
Mỹ yêu cầu công ty liên quan tới Trung Quốc bán đất gần kho hạt nhân 
Ảnh vệ tinh hé lộ nơi nghi cất giữ vũ khí hạt nhân của Nga ở Belarus